Xuất khẩu thịt lợn tìm 'cửa chính'
16:52 - 02/11/2017
Sản lượng 4,2 triệu tấn thịt lợn/năm, nhưng xuất khẩu (XK) chính ngạch của Việt Nam mới đạt con số vài chục nghìn tấn, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng cơ hội, các DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng để đi "cửa chính" thay vì tiểu ngạch.
Nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới xuất khẩu


Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam XK đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực, đạt giá trị XK trên dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 - 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch XK. Hiện thịt lợn của Việt Nam mới XK sang thị trường Hồng Kong và Malaysia theo đường chính ngạch khoảng 15-20 nghìn tấn/năm. Phần lớn là XK lợn hơi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á - cho biết: Việt Nam có nhiều cơ hội XK thịt lợn sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi 3 quốc gia này có vị trí địa lý gần với Việt Nam và nhu cầu đang ở top đầu thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu (NK) 2,2 triệu tấn thịt lợn/năm, Nhật Bản 1,3 triệu tấn và Hàn Quốc gần 1 triệu tấn. Đặc biệt, trong cơ cấu NK thịt lợn thành phẩm của Nhật Bản có đến 48% là thịt cấp đông được NK từ EU. Với mối quan hệ cấp quốc gia giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt thì việc Việt Nam có thể XK thịt lợn sang Nhật Bản, Hàn Quốc là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng. 

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay không ít thị trường đang có nhu cầu NK sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường này đưa ra hàng loạt yêu cầu khắt khe. Đơn cử Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm NK phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng XK không có bệnh lở mồm long móng (LMLM) và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Do hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh LMLM nên chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc đánh giá rủi ro NK đối với thịt lợn. 

Để đẩy mạnh XK thịt lợn, vấn đề an toàn dịch bệnh (ATDB) hết sức quan trọng. Bà Nienke Trooster - Đại sứ đặc mệnh Đại Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam - chia sẻ, Hà Lan cũng như các nước EU đều quy định NK thịt và sản phẩm thịt được thống nhất giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện NK thịt và sản phẩm thịt động vật. Theo đó, EU yêu cầu tất cả sản phẩm NK phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn liên quan đến ATDB động vật của EU.

Ông Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông - cho rằng, sản phẩm thịt lợn Việt Nam còn "rộng cửa" ở nhiều thị trường, thậm chí là các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, để vào được các thị trường này, DN Việt Nam cần quan tâm và đầu tư thích đáng về công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á: Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến quan hệ quốc tế, ký kết các hiệp định song phương, xây dựng vùng ATDB và chia nhỏ theo khu vực. Đồng thời hợp tác, xây dựng kế hoạch, phương án để các DN ở vùng ATDB có thể XK thịt ra nước ngoài.

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo