Phụng Hiệp (Hậu Giang): Thu nhập cao nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng
10:07 - 31/10/2017
(TNNN) – Từ khi mạnh dạn phá bỏ mía để chuyển sang trồng cây mãng cầu xiêm, ông Võ Văn Phải ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ nhận thấy hướng đầu tư của mình cũng như các hộ dân trong vùng là đúng đắn. Với loại cây trồng mới này đã giúp ông và bà con trong vùng thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm. Lợi nhuận này cao gấp mười mấy lần so với chỉ trồng mía, trồng lúa như trước kia.

Nông dân đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thành những vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản


 
Ông Phải cho biết: Trước đây, vùng đất này bị nhiễm phèn nặng, chỉ có thể trồng được mía và 1 vụ lúa nhưng cho thu nhập không cao. Mặc dù gia đình ông có 1 ha đất trồng mía nhưng mỗi khi đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì lũ lại tràn về gây ngập gốc, làm giảm năng suất và chất lượng của cây mía, rồi giá bán bị thương lái chèn ép xuống thấp nên năm nào gia đình ông cũng bị thua lỗ.

 
Nhờ chăm chỉ nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện truyền thông cũng như áp dụng đúng phương pháp KHKT nên vườn mãng cầu xiêm của ông Phải cho năng suất khá cao. Đặc biệt, ông còn tìm ra được bí quyết thụ phấn để giúp cho cây mãng cầu ra quả nhiều và thu hoạch quả quanh năm.

 
Đến nay, những cây mãng cầu 2 năm tuổi trong vườn của ông cho thu hoạch đạt từ 50- 70 kg/cây, đối với những cây lâu năm hơn có thể đạt từ 100- 150 kg/cây/năm. Với giá bán từ 18- 30.000 đồng/kg tùy vào từng thời điểm, mỗi năm, trên diện tích 1 ha mãng cầu xiêm giúp ông Phải có thu nhập khoảng 350 triệu đồng sau khi đã trừ hết các khoản chi phí, kể cả ngày công.

 
Không chỉ ở xã Hòa Mỹ, thời gian qua nhiều địa phương trong huyện cũng đồng loạt chuyển đổi vườn cây tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao. Trường hợp của ông Lê Văn Sáu (Sáu Bờ), ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình cũng nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng đã giúp cải thiện kinh tế gia đình nhanh chóng.

 
Ông Sáu cho biết, hiện tổng diện tích vườn trồng sầu riêng của gia đình ông là 3,5 ha. Tính bình quân cho sản lượng khoảng trên 50 tấn quả, thu về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, ông Sáu nói: Sầu riêng là loại quả có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để thu được lợi nhuận lớn thì người trồng cần biết cách xử lý nhằm giúp cho cây ra quả nghịch vụ, song đây là vấn đề khó, đòi hỏi kỹ thuật cao.

 
“Năm vừa rồi, do giá bán không ổn định nên gia đình tôi chỉ thu nhập được khoảng 1 tỷ đồng. Sang năm nay, nếu như giá sầu riêng cứ giữ ổn định ở mức 50.000 đồng/kg thì gia đình tôi có thể thu nhập khoảng 2 tỷ đồng”- Ông Sáu chia sẻ.

 
Hay như trên địa bàn xã Phương Phú, có thể thấy đời sống của bà con nông dân trong xã đã có những bước cải thiện, thay đổi đáng kể so với cách đây vài năm. Trước kia, nơi đây vốn chỉ là khu vực vùng ven với diện tích cây tràm, cây mía chiếm đa số trong tổng diện tích đất nông nghiệp của xã thì nay, đã trở thành vùng trồng cây ăn quả đặc sản của cả huyện. Nhiều loại cây ăn quả đa dạng, phong phú như: Bưởi da xanh; cam sành, cam xoàn… của địa phương đã và đang được người tiêu dùng biết tới, ưa chuộng, hào hứng đón nhận.

 
Trong số đó, đặc biệt hơn cả là các mô hình trồng cam xoàn- một giống cam quý của địa phương. Do có lợi nhuận thu được cao hơn nhiều so với trồng lúa và các loại hoa màu khác nên thời gian gần đây, đa số các hộ nông dân trong xã đã lựa chọn giống cam xoàn làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.

 
Nhờ chính sách liên kết sản xuất phù hợp, từ đầu năm 2013, các nhà vườn trồng cam trong xã đã tập trung liên kết làm ăn, thành lập Hợp tác xã cam xoàn Phương Phú. Hợp tác xã đã thống nhất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm.

 
Ban đầu, Hợp tác xã có 21 thành viên tham gia với gần 31 ha trồng cam xoàn. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, kết quả đạt được rất đáng mừng khi chất lượng quả cam đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, giá bán cam cũng cao hơn, bình quân ổn định ở mức 30.000- 40.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 45.000 đồng/kg.
 

Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình trồng cam của Hợp tác xã Phương Phú, chính quyền huyện Phụng Hiệp đã tiến hành triển khai, nhân rộng nhằm phát triển thành vùng chuyên canh cam xoàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn địa bàn. Theo thống kê, toàn xã hiện có 140 ha trồng cam xoàn, trong đó, có 50% diện tích đang cho quả, với mức thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 450 triệu đồng/ha.

 
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch UBND xã: Cách đây khoảng 4 năm, đất sản xuất của xã có khoảng 2.300 ha nhưng trong đó có gần 20% diện tích không đem lại hiệu quả. Trước tình hình đó, lãnh đạo địa phương đã mạnh dạn vận động người dân chuyển đổi cây trồng, tập trung chú trọng vào những loại cây có giá trị kinh tế cao nên đã có kết quả tốt. Được sự hỗ trợ tích cực từ Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện và tỉnh nên xã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, diện tích vườn cây ăn quả của xã hiện có 700 ha (tăng thêm 400 ha so với trước).

 
Đáng chú ý, với thế mạnh của địa phương là cây cam xoàn, bên cạnh việc được công nhận nhãn hiệu hàng hóa thì vừa qua, gần 30 ha cam xoàn của HTX cam xoàn Phương Phú còn được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ những kết quả đạt được, hiện nay các địa phương trong huyện đều tích cực chuyển đổi, xây dựng thành những vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản.

 
Theo thống kê, sau 3 năm phát động, huyện Phụng Hiệp có gần 2.000 ha đất canh tác kém hiệu quả được nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện, diện tích vườn cây ăn quả trong toàn huyện có gần 7.600 ha, trong đó, riêng các loại cây có múi chiếm tới 54% diện tích.

 
Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Phụng Hiệp hiện nay không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho các nhà vườn mà còn góp phần hình thành vùng sản xuất nhiều loại cây trồng mới, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao. Theo đó, ngoài cây mãng cầu xiêm, trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều mô hình canh tác mới như: Dưa lưới; thanh long ruột đỏ; dừa xiêm dứa... Toàn huyện hiện có khoảng 1.091 mô hình cho thu nhập từ 70- 100 triệu đồng/năm và 430 mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.


 

Như Mai
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo