|
Việc thiếu quy hoạch và định hướng thị trường dẫn đến tình trạng khủng hoàng thừa trong ngành chăn nuôi heo |
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2016, tổng đàn heo toàn quốc có khoảng 29,1 triệu con (tăng 4,9% so với năm 2015), sản lượng đạt mức kỷ lục 3,6 triệu tấn.
Từ thời điểm giữa năm 2016 đến tháng 7/2017, thịt heo bị “khủng hoảng thừa”, rơi vào tình trạng phải “giải cứu” trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là việc thiếu quy hoạch và định hướng thị trường, chưa tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, khâu đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng. Do vậy, cần phải xây dựng mô hình quản lý thịt heo theo chuỗi, để hướng tới thị trường ổn định và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tỉnh Đồng Nai cho biết đã thực hiện quản lý thịt heo theo chuỗi tại nhiều điểm, qua đó kéo giảm giá thành - chỉ còn 30.000 đồng/kg heo hơi (giá thị trường hiện nay khoảng 32.000 - 35.000 đồng/kg).
Tỉnh đã quy hoạch 139 vùng phát triển chăn nuôi với tổng diện tích 15.722ha, đến nay đã có 596 trang trại (chiếm 35%); quy hoạch được 36 cơ sở, điểm giết mổ (21 cơ sở tập trung, 15 cơ sở giết mổ vệ tinh).
Riêng thịt heo, đã có 400 trang trại và 21 nhóm GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc vào TP. Hồ Chí Minh và chuỗi chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy, Anh Hào Phát, cùng 4 điểm chợ thuộc huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú.
TP Hồ Chí Minh có thể xem là một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay về đầu vào an toàn của thực phẩm chăn nuôi. Điều này thể hiện rõ rệt ở quyết tâm thực hiện cho được đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn thông qua việc đeo vòng nhận diện.
Bước đầu thực hiện, đề án này đã vấp phải không ít phản ứng từ các nguồn cung cấp thực phẩm từ các tỉnh thành như Long An, Đồng Nai… Nhưng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh: “Bước đầu khó thực hiện vì phải phối hợp giữa rất nhiều ban ngành và địa phương. Dù khó nhưng vì sức khỏe và quyền lợi của 10 triệu dân thành phố vẫn phải hoàn thành cho được”.
Không chỉ thịt lợn, các thực phẩm khác như thịt gia cầm và trứng cũng nhận được sự ủng hộ từ quyết tâm này của Thành phố. Ông Lê Thanh Phương – Giams đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam cho biết: Việc đeo vòng con heo vừa tốn tiền, lực lượng thú y địa phương thì không đủ để phục vụ việc này, vì trang trại ở xa, hoặc các công ty đồng loạt xuất cùng một lúc thì không đủ người.
“Hiện tại, sản phẩm truy xuất chưa bán giá cao. Khi đã triển khai thì phải đeo đuổi, để tới một ngày chương trình trở thành một việc bình thường trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp”.
Quan điểm của UBND TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định chọn heo làm trước vì khó, sau đó sẽ triển khai các sản phẩm khác dễ hơn. Theo kế hoạch, Thành phố sẽ xóa dần các chợ tự phát, được cho là nơi các nguồn thực phẩm không an toàn được tập trung.
Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi vẫn còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian (thương nhân) nên rất khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc. Các hình thức tổ chức sản xuất lớn trong chăn nuôi (nhất là hợp tác xã) chậm phát triển, hoạt động chưa hiệu quả.
Việc triển khai quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, như cơ sở hạ tầng trong vùng quy hoạch chưa đồng bộ, số lượng trang trại trong vùng quy hoạch còn hạn chế… Nếu không có chế tài thì việc thực hiện theo chuỗi sẽ rất khó.
Trên thực tế, liên kết sản xuất giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp ở nước ta đã được thực hiện khá lâu nhưng thiếu tính bền vững khi các bên không thực hiện đầy đủ các cam kết, do chạy theo các lợi ích ngắn hạn. Để giải quyết, việc gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi trong chuỗi liên kết thời gian tới là vô cùng cần thiết. Chỉ khi làm tốt liên kết này, ngành chăn nuôi nước ta mới tạo bước chuyển đổi nhanh và bền vững.
Việc phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị sẽ tạo ra kênh tiêu thụ ổn định, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, trong đó có chăn nuôi an toàn sinh học. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, đặc biệt là TPP với nhiều cơ hội tự do thương mại, kèm theo là các yêu cầu khắt khe các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao, an toàn sẽ chiếm ưu thế trên thị trường. Vì thế, ngành chăn nuôi Việt Nam bắt buộc phải đẩy nhanh liên kết để phát triển và hội nhập.