|
Tỷ lệ HTX làm ăn hiệu quả ngày một nâng cao |
Tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này thấp nhất so với cả nước. Hiệu quả hoạt động của các HTX nhìn chung còn thấp nên chưa khuyến khích được người dân tham gia.
Thống kê cho thấy, mới chỉ có 15% số hộ nông dân, tương đương hơn 1,8 triệu hộ ở khu vực này tham gia vào HTX nông nghiệp. Một bộ phận HTX đã tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng còn mang tính hình thức, chưa mang lại lợi ích rõ rệt cho xã viên. Trong khi đó, các mô hình HTX kiểu mới trong các lĩnh vực chuyên ngành như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… chậm được tổng kết và nhân rộng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, nhờ việc gắn kết chủ động vùng nguyên liệu, cung cấp đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra, qua thực tế ở 15 tỉnh, TP khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có đến 38% số HTX hoạt động hiệu quả sau khi tổ chức lại. Đây là xu hướng chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các HTX nông nghiệp hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về HTX được tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012.
Tại 16 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung Bộ, tuy chỉ chiếm 22% diện tích đất nước nhưng có mức độ tập trung dân số rất cao. Cư dân ở nông thôn khoảng 17 triệu người và 3 triệu hộ gia đình là điều kiện thuận lợi cho phát triển hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
Các tỉnh trong vùng này cũng là các địa phương đi đầu cả nước về tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Toàn vùng có hơn 91% số lượng HTX chuyển đổi sang mô hình mới theo Luật HTX năm 2012 tương ứng với 5.500 HTX với hơn 2 triệu thành viên, chiếm 51,4% tổng số HTX trong cả nước.
Sau chuyển đổi, đăng ký lại, nhiều HTX đã tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành tinh giản, gọn nhẹ. Công tác quản lý tài chính, tài sản từng bước đi vào nề nếp. Ngoài thực hiện được các dịch vụ thiết yếu, một số HTX bắt đầu hỗ trợ cho các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số HTX đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tham gia vào các chương trình sản xuất công nghệ cao, sạch, an toàn để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, tăng đầu tư, tích lũy cho HTX.
Tại Tiền Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trịnh Công Minh cho biết, hiện nay tỉnh đã xuất hiện nhiều HTX kiểu mới như: HTX Thanh long Mỹ Tịnh An, HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, HTX Rau an toàn Long Hòa. Các HTX này hoạt động theo hướng an toàn, liên kết chuỗi, có đầu ra ổn định và đảm bảo lợi nhuận cho từng thành viên.
Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 83/96 HTX được tổ chức lại theo Luật HTX 2012. Các HTX đã tổ chức lại bộ máy, hội đồng quản trị, ban giám đốc, một số HTX đã năng động, nhạy bén trong quản lý, điều hành hoạt động HTX; chủ động vận động phát triển thêm thành viên, huy động thêm vốn, mở thêm nhiều dịch vụ phục vụ cho thành viên…
Thực tế, nhiều năm qua, tỷ lệ HTX làm ăn hiệu quả ngày một nâng cao hơn và chỉ sau 1 năm qua, tỷ lệ này trên cả nước đã tăng từ 20% lên 30% tổng số HTX kiểu mới. Tuy nhiên, trong số HTX nông nghiệp hiện nay, phần lớn là loại hình HTX cung ứng đầu vào cho thành viên, còn HTX cung ứng đầu ra, tiêu thụ hàng hoá chỉ chiếm 11% tổng số lượng các HTX.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, quy định trong luật HTX 2012 tới cán bộ, chính quyền, người dân. Đặc biệt, các địa phương phải quan tâm tới vai trò của quản lý Nhà nước trong kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng. Đồng thời, các HTX kiểu mới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa tính sáng tạo, chủ động của các thành viên trong mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau cùng hướng tới mục đích chung để phát triển HTX ngày càng tốt hơn.