Nếu như mọi năm, người dân vùng trồng nhãn chín muộn ở 2 huyện Quốc Oai và Hoài Đức (Hà Nội) phấn khởi vì được mùa, được giá thì năm nay họ lại chán chường, mất ăn mất ngủ, “mếu máo” vì thất thu nặng, bởi cây toàn lá…
Chúng tôi tìm đến xã Đại Thành, nơi được mệnh danh là vựa nhãn chín muộn của huyện Quốc Oai với khoảng 150ha, trong đó có 25ha trồng theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), diện tích còn lại trồng theo hướng an toàn.
|
Cả vườn cây nhãn nhà anh Thành nhìn toàn lá, ít trái |
Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Đại Tảo chia sẻ: "Vào thời điểm này năm ngoái chúng tôi đã chuẩn bị tất bật với công việc thu hoạch nhãn chín muộn, nhưng do năm nay cây chỉ lác đác vài chùm bé, mẫu mã không được ưa nhìn nên chưa muốn thu hoạch".
Cũng theo anh Thành, nguyên nhân khiến nhãn chín muộn mất mùa là do thời tiết nắng nóng kéo dài nên cây sinh trưởng nhanh, hoa nở sớm, tỷ lệ đậu quả thấp. Ngoài ra, trong tháng 5 vừa qua có đợt nóng lên đến hơn 40°C đã khiến nhãn non bị rụng nhiều.
“Nhà tôi trồng hơn 2 mẫu nhãn chín muộn, mọi năm cho thu hoạch gần 10 tấn nhãn, được bán với giá 45 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên trên cây chủ yếu là lá, quả lưa thưa, gia đình dự kiến chỉ thu hoạch được khoảng 1 tấn”, anh Thành buồn bã.
Cũng giống như gia đình anh Thành, nhiều hộ dân khác đang sinh sống ở xã Đại Thành cũng thất thu vì nhãn chín muộn mất mùa. Anh Nguyễn Duy Hải cho biết, không chỉ riêng gia đình anh mà toàn xã năm nay đều mất mùa nhãn chín muộn, nhiều gia đình gần như bị mất trắng hoàn toàn, nhiều vườn có những cây không đậu được một chùm quả nào.
“Từ hồi trồng nhãn chín muộn cho đến bây giờ, nhà tôi cũng như nhiều hộ khác chưa bao giờ mất mùa nặng như năm nay”, anh Hải rầu rĩ.
Theo ông Đinh Văn Phích, Chủ nhiệm HTXNN Đại Thành, năm 2016, sản lượng nhãn chín muộn toàn xã đạt 2 nghìn tấn, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng. Năm nay, do thời tiết khắc nghiệt, tỷ lệ đậu quả chỉ đạt 20%.
|
Nhãn chín muộn năm nay nhỏ quả, mẫu mã kém |
Cùng chung cảnh ngộ, người dân trồng nhãn chín muộn ở xã An Thượng (huyện Hoài Đức) cũng điêu đứng, người dân như ngồi trên đống lửa. Với nhiều năm kinh nghiệm trồng nhãn chín muộn, theo ông Phạm Văn Khôi (xã An Thượng), nhãn là cây trồng chủ lực của người dân nơi đây, năm nay thời điểm cây ra hoa do mưa nắng thất thường nên hoa không thể đậu quả được. Vườn nhãn nhà ông chỉ đậu được khoảng hơn 20%.
“Cũng như nhiều hộ dân trồng nhãn chín muộn khác ở trong xã, năm nay gia đình tôi điêu đứng vì thất thu mùa nhãn chín muộn. Hàng chục cây nhãn không có trái, nếu có chỉ lác đác vài chùm quả, nhưng quả lại bé, mẫu mã không đẹp”, ông Khôi than thở.
+ Hà Nội có rất nhiều giống nhãn muộn nhưng phổ biến là HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm là quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình 50 - 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác tới 1 - 1,5 tháng.
+ Hiện nay, tổng diện tích nhãn chín muộn của Hà Nội khoảng 500ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai, sản lượng bình quân đạt 8.000 - 9.000 tấn/vụ. Năng suất bình quân 20 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt 50 tấn/ha.
|