Phát triển lâm nghiệp bền vững theo các nhiệm vụ trọng tâm
11:10 - 14/08/2017
(TNNN) – Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” và tổng kết 4 năm thực hiện dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”.

Nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp giúp ổn định cuộc sống của người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa


Thông báo kết luận nêu rõ, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng ngành Lâm nghiệp phát triển bền vững luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả nhất để tăng cường tính chống chịu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời ổn định cuộc sống của người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.


Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta phải thực hiện được 3 nhiệm vụ chủ yếu: Thứ nhất là bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; thứ hai là phải phát triển và nâng cao năng suất của rừng; và thứ ba là nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp.


Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42%, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,5% đến 6,0%/năm, nâng cao năng suất rừng trồng bình quân lên 20 m3/ha/năm, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng từ 8,0 đến 8,5 tỷ USD; đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.


Nhằm hiện thực hoá các mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong thời gian tới cần tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để bảo vệ rừng và phát triển ngành lâm nghiệp; nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo vệ, quản lý, phát triển và khai thác rừng có hiệu quả.


Tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân; đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.


Cụ thể: Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 886/QĐ-TTg, hoàn thành trong Quý III/2017; tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững năm 2018 và kế hoạch giai đoạn 2018-2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng tiến độ xây dựng kế hoạch.

 
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bố trí, cân đối vốn ngân sách cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017; chỉ đạo các chủ đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng hoàn thành công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh trong năm 2017.


Đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, khẩn trương chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để trồng rừng ngay, không để tồn quỹ.

 
Các bộ, ngành, địa phương có thực hiện nhiệm vụ Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; rà soát, xây dựng các dự án trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ đạo, Văn phòng thường trực để tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững, hoàn thành trong tháng 8/2017.
 

Đình Tiến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo