Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định xuất hiện nắng nóng, rải rác có mưa dông, tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phát sinh gây hại hàng trăm ha lúa vụ thu đang trỗ, vào chắc xanh.
Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân phòng trừ để bảo vệ năng suất lúa.
|
Nông dân Bình Định đang nỗ lực phòng trừ rầy hại lúa |
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, từ đầu tháng 8 đến nay, 1 đợt rầy nâu và rầy lưng trắng đã phát sinh, gây hại 237,4ha lúa đang làm đòng trỗ, vào chắc xanh với mật độ từ 750 - 5.000 con/m2 tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Phù Cát và TX An Nhơn. Đặc biệt trong đó có 42ha bị nhiễm nặng với mật độ từ 3.000 - 5.000 con/m2.
“Hiện ngành chức năng đang sát cánh với chính quyền các địa phương, trực tiếp hướng dẫn nông dân tích cực phòng trừ được 176 ha”, ông Phát cho biết.
Tuy Phước là huyện có 61ha lúa tại các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Lộc, Phước Thuận, Phước Sơn… bị nhiễm rầy với mật độ phổ biến từ 1.500 - 5.000 con/m2. Hiện rầy non vẫn đang tiếp tục nở rộ. Đáng chú ý là thời gian qua do ảnh hưởng của các đợt mưa trái mùa làm nhiều diện tích lúa bị ngã đổ, ảnh hưởng đến việc phun thuốc phòng trừ rầy.
Ông Võ Xuân Thiết, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tuy Phước cho biết: Để phòng trừ rầy có hiệu quả, đơn vị đã phân công cán bộ kỹ thuật bám địa bàn, phối hợp với các HTXNN, khuyến nông xã tăng cường kiểm tra, nắm chắc diễn biến, diện tích lúa bị nhiễm rầy để có giải pháp phòng trừ hiệu quả. “Trạm cũng đã kịp thời thông báo, hướng dẫn, vận động bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phun thuốc phòng trừ; đồng thời tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại lúa cho gần 400 lượt nông dân. Đến nay, trong số 61ha lúa bị nhiễm rầy tại địa phương, nông dân đã phun thuốc diệt trừ được gần 30ha. Trạm đang tiếp tục vận động bà con tập trung kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phun thuốc BVTV để ngăn chặn rầy lây lan”, ông Thiết cho hay.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, rầy non vẫn đang tiếp tục nở kéo dài đến 15/8, gây hại cục bộ lúa thu giai đoạn trỗ đều - ngậm sữa - chắc xanh.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, khi phát hiện rầy có mật độ từ 1.500 - 6.000 con/m2 thì nông dân cần dùng một trong các loại thuốc trừ rầy sau để phun: Thuốc Chess 50 WG, liều lượng 3 gói thuốc (7,5 gram/gói) pha với 24 lít nước phun cho 1 sào ruộng (500m2), phun thuốc cho lúa giai đoạn ngậm sữa trở về trước; dùng thuốc Map Arrow 420 WP, liều lượng 65 - 100 gram thuốc pha với 16 - 24 lít nước phun cho 1 sào ruộng vào buổi chiều mát; dùng thuốc Nipy Ram 50WP (Chet Ray), liều lượng 21 gram thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào ruộng.
Đối với những diện tích có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, rầy có nhiều giai đoạn phát dục, có cả rầy non và trưởng thành đối mặt với nguy cơ cháy rầy, nông dân cần áp dụng các công thức phun như sau: Dùng thuốc Map Arrow 420 WP, liều lượng 100 gram thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào ruộng, phun vào chiều mát; sử dụng 100 ml Bassa 50 EC + 15 gram Chess 50 WG pha với 32 lít nước phun cho 1 sào lúa.
“Để diệt trừ rầy nâu và rầy lưng trắng có hiệu quả, việc phun thuốc phải theo nguyên tắc “4 đúng”. Trước khi phun thuốc nên cho nước vào ruộng từ 3 - 5cm, phun kỹ vào thân, gốc lúa. Sau khi phun từ 2 - 3 ngày, cần tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy rầy còn sót với mật độ trên 1.500 con/m2 thì phải phun lần 2. Thuốc phun lần 2 khác so với thuốc lần 1. Phun thuốc phải đảm bảo lượng nước như hướng dẫn, ướt đều trên thân, gốc lúa. Nên phun vào chiều mát hoặc sáng sớm khi thời tiết còn dịu mát thì thuốc mới phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Phát khuyến cáo. |