Thực tế cho thấy mô hình CĐL phù hợp với nhu cầu của địa phương mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
|
Sản xuất CĐL ở An Giang mang lại hiệu quả cao cho nông dân |
Trong bối cảnh SX nông nghiệp khó khăn, đầu ra bấp bênh, chi phí đầu tăng nông dân khó có lãi, các tỉnh ĐBSCL bắt tay thực hiện mở rộng diện tích cánh đồng lớn (CĐL) đã giúp người dân nâng cao thu nhập, đầu ra ổn định, hàng hóa được thị trường xuất khẩu chấp nhận.
Trước đây nông dân trồng lúa ở ĐBSCL luôn gặp khó khăn khi đến mùa thu hoạch, giá giảm mạnh, thương lái nhũng nhiễu gây bất lợi cho nông dân. Trong khi đó giá phân bón, thuốc BVTV đều tăng cao nông dân SX lợi nhuận không cao. Xuất phát từ thực tế khó khăn đó mô hình CĐL được hình thành, phần nào giải quyết được những khó khăn cho nông dân trồng lúa.
Thực tế cho thấy mô hình CĐL phù hợp với nhu cầu của địa phương mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Vụ lúa TĐ năm 2016, các xã Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông (TX Cai Lậy, Tiền Giang) xây dựng mô hình CĐL gần 300ha trồng giống lúa chất lượng cao đầu ra do các DN trong và ngoài tỉnh đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Khi tham gia mô hình CĐL nông dân được hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao như giống Jasmine, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật thay đổi cơ cấu giống lúa kém hiệu quả, đưa các giống có năng suất và chất lượng cao gieo sạ đồng loạt cùng 1 giống, cùng 1 cánh đồng, giảm giá thành SX từ 10 - 15%, giảm thất thoát sau thu hoạch 7%, tăng lợi nhuận từ 10 - 15% so với SX truyền thống trước đây. Chính những lợi nhuận và quyền lợi được đảm bảo đã thu hút nhiều nông dân tham gia CĐL.
Nông dân Trần Văn Khá ở xã Mỹ Hạnh Đông phấn khởi cho biết: “Tôi tham gia mô hình CĐL được 3 năm, cho lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 20%. Vụ ĐX 2016-2017, tôi tiếp tục tham gia CĐL gần 1ha lúa giống Jasmine, hiện trà lúa phát triển tốt, giai đoạn lúa làm đòng. Tham gia mô hình này, được Cty đầu tư trước phân bón, thuốc BVTV và bao tiêu sản phẩm, nông dân không sợ thương lái ép gía khi vào vụ thu hoạch rộ”.
Nhằm giúp nông dân giảm chi phí, ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao hiệu quả SX lúa, năm 2016 Sở NN-PTNT An Giang đã triển khai CĐL lúa, nếp với diện tích liên kết SX 58.397ha rất thành công. Gần 20 DN triển khai ký hợp đồng tại 9 huyện thị trong tỉnh. Các DN tham gia CĐL đều có xây dựng hợp đồng trước và thảo luận với nông dân giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 50 - 150 đồng/kg.
Để tổ chức CĐL mang lại hiệu quả hơn nữa, An Giang tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình SX theo chuỗi giá trị, nhân rộng CĐL, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Triển khai áp dụng tiến bộ KHKT như “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng và duy trì hỗ trợ chứng nhận sản phẩm SX theo tiêu chuẩn mà thị trường cần nhằm tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người dân...
Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng CĐL lúa, nếp của An Giang giai đoạn 2016 - 2025. Mục tiêu kế hoạch là tổ chức lại SX theo hướng nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. Xây dựng CĐL nhằm tạo các vùng nguyên liệu lúa gạo với quy mô diện tích SX lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đồng nhất và đồng chất, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo. Theo đó, định hướng từng bước xây dựng CĐL theo phương châm 4H (hợp tác, hiện đại, hài hòa, hiệu quả).