Thương hiệu cho trái cây Việt: Quẩn quanh và bế tắc!
16:41 - 06/01/2017
Theo TS.Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), ngành rau quả của Việt Nam nói chung, ĐBSCL có tiềm năng phát triển rất lớn, năm 2016, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt mặt hàng gạo, đạt 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, quy mô sản xuất của chúng ta vẫn nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, thu hoạch, bảo quản còn lạc hậu, không truy xuất được nguồn gốc, chưa có thương hiệu và đặc biệt là không liên kết được với doanh nghiệp.
Việt Nam có rất nhiều trái cây đặc sản nhưng chưa có lộ trình xây dựng thương hiệu phù hợp.

Gần như không xuất xứ

Chứng minh cho nhận định trên, TS.Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng SOFRI, kể: “Tôi có dịp đi Brunei, vào các siêu thị của họ thấy có bán thanh long và sapoche (hồng xiêm). Tôi tìm hiểu và được biết nó là của Việt Nam nhưng lại không có tên tuổi gì liên quan đến Việt Nam hết. Trong khi đó, Thái Lan có hẳn một gian hàng riêng với tên tuổi rõ ràng và các loại trái cây thông thường nhưng cũng có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg”.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), những loại trái cây nhập về Việt Nam bao gồm: Táo, cam, quýt, dưa vàng, hồng, lựu… với số lượng lên đến hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Điều đáng nói, đây chủ yếu là các loại trái cây mà ngay tại Việt Nam cũng được trồng rất nhiều. Điều này dẫn đến nghịch lý, trong khi bà con nông dân luôn ở tình trạng “được mùa mất giá” thì người tiêu dùng lại thường xuyên phải ăn trái cây nhập ngoại.

Điều đáng nói, các loại trái cây nhập ngoại nói trên đều không rõ ràng xuất xứ. Thực trạng này đang đẩy trái cây Việt rơi vào nguy cơ thất thế, và nguy cơ này ngày càng cao hơn khi sắp tới, hàng trăm mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là nông sản sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018. Thực tế này đang khiến nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà quản lý đau đầu. 
 

Mới chỉ dừng ở chỉ dẫn địa lý

Theo ông Đào Đức Huấn, Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, 15 năm qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng phát triển chỉ dẫn địa lý như một công cụ bảo hộ cho hàng nông sản. Tính đến ngày 30/5/2016, Việt Nam mới có 43 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, có 32/62 tỉnh, thành có chỉ dẫn địa lý và có 8 tỉnh, thành có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) chỉ ra rằng, nhiều sản phẩm nông sản đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nằm trong câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD của Việt Nam như cà phê, gạo, hạt điều, chè, hồ tiêu, cao su, trái cây, sắn; sản phẩm từ gỗ, thủy sản. Chất lượng hàng nông sản của nước ta không thua kém so với các nước nhưng giá trị xuất khẩu lại thấp hơn. Nguyên nhân chính là do hàng hóa của Việt Nam chưa có thương hiệu.

Thống kê của ông Bảnh cho thấy, hiện có khá nhiều mặt hàng nông sản đã xây dựng được thương hiệu nhưng chỉ tồn tại dưới dạng chỉ dẫn địa lý, chứ chưa nâng tầm thành thương hiệu đặc trưng của một quốc gia. Về trái cây có thể kể đến nhãn xuồng cơm vàng, vải thiều Thanh Hà, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, thanh long Bình Thuận, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, nhãn lồng Phố Hiến, quýt đường Trà Vinh, chôm chôm Chợ Lách, kẹo dừa Bến Tre… Thủy hải sản có tôm sú, tôm càng xanh, cá tra, cá ngừ đại dương, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết.

Ở mặt hàng gạo cũng có hơn 20 loại gạo đặc sản như nàng thơm Chợ Đào (Long An), gạo tám Hải Hậu, gạo thơm lộc trời, hạt ngọc trời, gạo Ngọc Đồng, hương lúa, gạo hữu cơ hoa sữa, gạo thơm ST, gạo thơm Bảy Núi, gạo thơm Điện Biên.

Bên cạnh việc xây dựng chưa tốt thương hiệu thì công tác giới thiệu, quảng bá cho đặc sản của mỗi địa phương cũng ít được chú trọng. Theo PGS.TS.Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia Ban tư vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia, dù được xem là chương trình duy nhất tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia (THQG), thông qua các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ, nhưng trong số 63 THQG hiện có tới 44 doanh nghiệp không đưa logo chương trình THQG lên website.
 

Gắn kết lợi ích doanh nghiệp với quốc gia

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, hiện các địa phương đã nỗ lực kết hợp phát triển kinh tế và chú trọng xây dựng hình ảnh về địa phương, vùng miền gắn với việc nâng cao hình ảnh quốc gia trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Thương hiệu sản phẩm gắn với các vùng miền sẽ có tác dụng quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đưa vào chiến lược thúc đẩy xuất khẩu, gắn kết thương hiệu vùng miền với THQG. “Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa là cấp thiết trước mắt vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt, và của các ngành, các địa phương”, ông Hải nói.

Về cách làm cụ thể, ông Bùi Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình, chia sẻ kinh nghiệm từ việc xây dựng thương hiệu cam Cao Phong. Theo ông Thắng, trước đây, diện tích trồng cam liên tục giảm, đầu ra bấp bênh do chưa có thương hiệu nên giá trị thấp. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo huyện Cao Phong tổ chức quy hoạch lại vùng cam và tiến hành xây dựng thương hiệu. Theo đó, cam chỉ trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không trồng ồ ạt. Tỉnh cũng hướng dẫn người dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2014, cam Cao Phong đã được các bộ, ngành chức năng chứng nhận “chỉ dẫn địa lý”. Chỉ 2 năm sau, sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được giá trị thương hiệu, được người tiêu dùng cả nước biết đến. Nhờ vậy, diện tích, sản lượng và giá bán tăng từ 2-3 lần so với trước.

Để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn tầm ra thị trường quốc tế, ông Lê Văn Bảnh cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Mặt khác, cần có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội. Chỉ khi nào chúng ta gắn kết hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích quốc gia thì sản phẩm, thương hiệu mới có sức sống và phát triển bền vững.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo