Theo công bố, mạng lưới điện thắp sáng hiện đã phủ khắp 100% số xã và tỷ lệ nông thôn có điện đạt 97,8%. Đây là thành tựu lớn của chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo.
|
Tại Việt Nam đang có sự gia tăng về số lượng trang trại và sản xuất mô hình cánh đồng lớn. (Ảnh minh họa: KT) |
Hệ thống giao thông nông thôn có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, giao thông nông thôn bảo đảm xuyên suốt. Hệ thống trường học được duy trì ổn định, với 99,6% số xã có trường mẫu giáo và 99,7% số xã có trường tiểu học. Tính chung, cả nước có 2.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến nay, cả nước có 60,8% số xã có chợ, trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ cao nhất là 72,9% số xã; trong khi đó, vùng Tây Nguyên số xã có chợ chỉ đạt 37,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ thôn chưa có điện ở một số tỉnh miền núi vẫn còn cao như: Điện Biên; Hà Giang; Sơn La; Lào Cai; Bắc Kạn...
Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông ở vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo còn nhiều khó khăn. Số hộ gia đình có nguồn thu nhập lớn từ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm; từ phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng lên.
Nguồn thu của các hộ không phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp như thời gian trước. Hiện cả nước có 9,32 triệu hộ là hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản; đang có sự gia tăng về số lượng trang trại và sản xuất mô hình cánh đồng lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm nay đã phác họa bức tranh toàn cảnh về nông thôn, nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Việc so sánh các chỉ tiêu qua các thời kỳ, các vùng miền cho thấy một số vấn đề về dịch chuyển cơ cấu hộ, thay đổi quy mô hộ, sự chậm phát triển và phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền… ở nông thôn đang đặt ra những khó khăn, thách thức đối với việc xây dựng quy hoạch nông thôn và chính sách định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn nông thôn trong giai đoạn tiếp theo.
Kết quả chính thức Tổng điều tra năm 2016 sẽ được công bố vào Quý 3 năm 2017./.