Tây Ninh đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế, trở thành tỉnh trọng điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
|
Đã có 10 nhà đầu tư cam kết đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh từ năm 2017-2020. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết như vậy tại hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” diễn ra ngày 6/1.
Nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp
Tây Ninh là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp; quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% (gần 270.000 ha) diện tích đất tự nhiên; địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn, đất đai thích nghi với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng theo nhu cầu thị trường; là địa phương có hệ thống thủy lợi khá đồng bộ với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có quy mô lớn nhất nước có thể tưới tiêu chủ động cho 47.000 ha đất canh tác.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, phần lớn các nông sản của tỉnh tiêu thụ và chế biến chủ yếu ở dạng thô, số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là vào thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ….
Ông Tân cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đã và đang tập trung cơ cấu lại, trong đó đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại phù hợp với tiềm năng của tỉnh, tiến tới thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư, hiện nay, Tây Ninh đang xây dựng và hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất và thu hút DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: Chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; chính sách đặc thù kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, tỉnh đang đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên dành một phần quỹ đất công với diện tích khoảng 1.800 ha tổ chức quy hoạch và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư có đủ nguồn lực, công nghệ và thị trường thực hiện các dự án phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu theo chuỗi giá trị vào sản xuất; những DN này sẽ làm nền tảng dẫn dắt nông dân, trang trại, DN địa phương cùng phát triển.
Tạo động lực lớn phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao nỗ lực của Tây Ninh đã chủ động tiếp cận, làm việc với các đối tác lớn để đưa nông sản của Tây Ninh vào được các thị trường tiềm năng trên thế giới. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là sự chuẩn bị cần thiết để phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuỗi giá trị hội nhập thị trường thế giới.
Tại hội thảo đã có 10 nhà đầu tư cam kết đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh từ năm 2017-2020.
Cần sự giúp sức từ các bộ, ngành
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, trong giai đoạn tới, tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao có sức cạnh tranh quốc tế.
Để thực hiện chủ trương trên, Tây Ninh đã chủ động nghiên cứu, học tập các mô hình trên thế giới và trong nước; tổ chức nghiên cứu thị trường, quảng bá và tiếp thị ra quốc tế cho nông sản của tỉnh một cách bài bản, hiệu quả; liên kết các kênh phân phối nội địa có uy tín để tìm đầu ra cho nông sản.
Từ đó, Tây Ninh đã bước đầu thu hút được nhiều nguồn lực lớn trong nước và quốc tế tham gia đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Việc Tây Ninh đăng ký trở thành nơi làm điểm mô kinh tế nông nghiệp bền vững này là hoàn toàn có cơ sở.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, Bộ NN&PTNT có cơ chế, chính sách, hỗ trợ Tây Ninh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị; Ngân hàng Nhà nước có chính sách bảo đảm vốn và vay vốn ưu đãi theo các đề án được phê duyệt.
Các bộ, ngành khác chung sức hỗ trợ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mô hình điểm sẽ trở thành nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước.