Nông nghiệp Mê Linh ( Hà Nội) đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
14:51 - 04/10/2016
Sở hữu vùng trồng hoa gần như lớn nhất TP, song sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh vẫn nặng tính truyền thống, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Trồng hoa tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh
Năng suất thấp
Toàn huyện Mê Linh có hơn 8.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 5.000ha lúa, còn lại là hoa và rau màu. Đáng chú ý, huyện có 7 xã vùng bãi ven sông Hồng với diện tích 1.300ha chạy dọc chiều dài 19km, trong đó gần 1.000ha được quy hoạch ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp theo đề án xây dựng nông thôn mới. Nhận định về thế mạnh của địa phương, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, 2 loại cây trồng chủ lực đang tỏ rõ ưu thế là cây hoa và rau với giá trị canh tác đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng vùng hoa với diện tích trên 400ha của huyện Mê Linh được đánh giá là một trong những vùng chuyên canh hoa lớn nhất toàn TP, cung cấp một lượng lớn hoa hồng, cúc cho thị trường Thủ đô.
Dù có những thế mạnh nhất định, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linhthẳng thắn nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn mang tính truyền thống là chủ yếu. Năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, thu nhập của người dân hạn chế và không ổn định. Ngoài cây hoa, trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn vắng bóng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, do chưa xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh và thiếu tính bền vững.
Một vấn đề bất cập nữa là sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, đảm bảo ATTP của huyện Mê Linh còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trong khi đó, hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều yếu kém, chưa thu hút được các hộ, DN đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản và giết mổ gia súc, gia cầm. “Trên địa bàn xã có khu trang trại xa khu dân cư với diện tích hơn 13ha nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất khiến cho chăn nuôi gặp nhiều khó khăn” - Chủ tịch UBND xã Tự Lập Trần Văn Khánh cho hay.
Quy hoạch lại các vùng sản xuất
Trước thực trạng còn nhiều hạn chế của địa phương, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích cây lương thực hợp lý. Thay vào đó, tăng nhanh diện tích trồng rau, hoa, cây ăn quả và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch sản xuất, tạo tiền đề phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp huyện Mê Linh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, trước mắt, huyện chủ trương duy trì ổn định và phát triển các vùng trồng cây thực phẩm theo hướng an toàn quy mô từ 20ha trở lên. Đơn cử như vùng rau màu 900ha tại các xã Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong, Hoàng Kim hay vùng hoa 433ha tại xã Mê Linh, Đại Thịnh, Tự Lập, Tiến Thịnh, Văn Khê…
Ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, được mệnh danh là “vựa hoa” nên huyện đặc biệt quan tâm tới đối tượng cây trồng này. Trong quy hoạch tương lai, huyện Mê Linh sẽ phát triển 600 - 800ha hoa hồng, đồng thời tận dụng xen canh cây hoa trên các vùng bãi. Tới đây, khi xã Mê Linh chuyển sang thực hiện quy hoạch vùng đô thị, vùng trồng hoa sẽ được di dời ra các xã khác, nhất là vùng bãi thuộc xã Văn Khê. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, đưa thêm một số giống hoa mới có giá trị kinh tế cao như hoa ly, đồng tiền, loa kèn vào sản xuất.
Cùng với thực hiện các quy hoạch phát triển sản xuất, huyện Mê Linh cũng đề ra giải pháp đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích nông dân đầu tư máy móc, hình thành các HTX làm đất, HTX máy cấy, máy gặt đập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. “Riêng đối với các HTX, huyện sẽ giải thể các HTX kém hiệu quả, xây dựng HTX kiểu mới với tiềm lực tài chính lớn làm đầu tàu phát triển kinh tế ở nông thôn” - ông Trọng cho hay.
 
Nguồn: KTĐT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo