Xuất khẩu gạo 2016: Hạ mục tiêu vẫn không dễ hoàn thành
19:59 - 30/09/2016
Số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT vừa công bố cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 9 và 9 tháng qua tiếp tục sụt giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân nào khiến gạo tiếp tục sụt giảm và giải pháp nào cho xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.
Xuất khẩu gạo tháng 9 và 9 tháng sụt giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ 2015. (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh những bất lợi tiêu cực của biến đổi khí hậu như hiện tượng Elnino kéo dài nhất trong lịch sử, mưa lũ những tháng đầu năm, ngành lúa gạo còn phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ việc xả gạo tồn kho của Thái Lan, cùng với nhu cầu nhập khẩu gạo giảm mạnh từ những thị trường tập trung như Philippines, Malaysia…

Tính đến hết tháng 8, ngoại trừ Indonesia, các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đều sụt giảm về nhu cầu. Cụ thể, thị trường Trung Quốc giảm 21,6%, Philippines giảm 66,4%, Malaysia giảm 54,8%, Singapore giảm 36,3% và Hoa Kỳ giảm 37,6%...

Chia sẻ những khó khăn về xuất khẩu mà ngành lúa gạo đang gặp phải, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, không nên để 1 mặt hàng quan trọng như gạo liên quan đến hàng chục triệu người sản xuất mà lại phụ thuộc vào 1 hoặc 1 vài thị trường nào đó.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng qua ước đạt 3,76 triệu tấn, với giá trị 1,69 tỉ USD, nếu không có đột phá về thị trường, dự tính xuất khẩu gạo của Việt Nam trong cả năm 2016 chỉ đạt khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch. Đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua kể từ năm 2009, xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nông nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương phân tích, dấu hiệu mới nhất cho thấy, Philippines đã quyết định nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo. Trong đó, có 250.000 tấn được nhập khẩu ngay trong năm nay và 250.000 tấn giao cho các doanh nghiệp nước này nhập khẩu. Số 500.000 tấn sẽ được ký hợp đồng nhập khẩu vào đầu năm sau.

Trong trường hợp Philippines bắt đầu mua gạo cộng với việc Indonesia nhập khẩu gạo trở lại, nhiều khả năng Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo trong năm nay. Vấn đề là ở chỗ, để cạnh tranh với gạo Thái Lan và Ấn Độ, xuất khẩu gạo không chỉ tập trung vào việc mở rộng thị trường mới mà phải nâng cao chuỗi giá trị và gạo chất lượng ở những phân khúc thị trường mà gạo Việt Nam đã có mặt.

“Chúng ta vẫn cứ nói đến thuật ngữ thị trường mới. Vấn đề ở chỗ với những thị trường đó phải làm thế nào có gạo chất lượng tốt hơn, an toàn hơn để mở rộng thị phần và thâm nhập sâu thị trường ở đó” ông Bích cho biết.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua không có thêm hợp đồng mới nào mà chủ yếu là các hợp đồng cũ đã ký từ năm 2015, trong đó, 70% lượng gạo xuất khẩu theo các hợp đồng của Chính phủ.

Trước thực tế nhiều loại nông sản sụt giảm về khối lượng và giá trị, và lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT thay vì giữ mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2016, đã hạ mục tiêu trong cả năm nay xuống còn 5,7 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua và thực tế đang diễn ra cho thấy, ngay cả khi đã hạ mục tiêu thì việc hoàn thành xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo trong năm nay cũng không dễ hoàn thành…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, xuất khẩu nông sản bao gồm cả xuất khẩu gạo trong quá trình tái cơ cấu ngành, Bộ xác định đầu tiên phải quan tâm đến đầu ra tiêu thụ. Để tháo gỡ xuất khẩu gạo, Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu gạo sang các thị trường mới.

Nhằm có những giải pháp mạnh hơn cho xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ NN&PTNT đánh giá cụ thể về tác động ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất lúa gạo; thường xuyên rà soát, cập nhật khả năng cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và hoạt động xuất khẩu gạo./.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo