Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế
16:54 - 28/09/2016
(TNNN) - Phát triển sản xuất nông nghiệp đang là chủ đề được cả thế giới quan tâm, không chỉ bởi những đóng góp của nó, mà cả những khó khăn khi phát triển lĩnh vực này.
 
Trong nền kinh tế quốc dân vai trò của ngành nông nghiệp vô cùng quan trong

 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua ngành nông nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn với 10 loại nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm.

 
Nhờ đó, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trong các huyện nghèo và 1,54%/năm trong khu vực nông thôn. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng. Gắn với quá trình đổi mới, những cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai trong cả nước. Từ một nước nghèo, thiếu lương thực, hết năm 2014, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đã đạt mức kỉ lục, với số thu đến 30,86 tỷ USD.

Giá trị tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng ngày một cao hơn, toàn ngành đạt 3,9 %, tốc độ tăng GDP của ngành đạt 3,49% so với 3,27 mức mục tiêu Chính phủ đề ra. Song song với đó, tỷ trọng giá trị tăng trưởng trong tổng giá trị tăng sản xuất ngành đã lên đến 67,8% so với mức 57% của năm 2010. Nông nghiệp của nước ta có rất nhiều khả năng cạnh tranh, đây là năng lực cạnh tranh vốn có của quốc gia và Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu nhờ ngành nông nghiệp.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế một cách có hiệu quả, thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao, công nghệ tin học nhằm phát triển, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng, ở các cấp độ khác nhau.

Thực tiễn đặt ra phải có tầm nhìn mới về sản xuất nông nghiệp. Theo thông báo “Triển vọng nông nghiệp 2013-2022” của FAO và OECD, giá lương thực trung bình sẽ tăng thêm khoảng từ 10-40% trong thập niên tới. Mức tiêu thụ lương thực toàn cầu có xu hướng tăng cao, giá lương thực biến động và nguy cơ tiềm ẩn khủng hoảng lương thực.

Cùng những hậu quả phát sinh từ cuộc khủng hoảng này là động lực thúc đẩy hiện đại hóa ngành sản xuất nông nghiệp. Tương lai sẽ bắt đầu cuộc cách mạng mới trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia, khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, nông nghiệp đã thành bệ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế, góp phần quan trọng giữ vững ổn định xã hội. Nông nghiệp Hà Lan, với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lên tới 107 tỷ USD (năm 2013) đã đóng vai trò quyết định cho sự phục hồi nền kinh tế của nước này.

 
Nhiều nước trên thế giới đã phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt được những thành tựu to lớn. Ứng dụng khoa học công nghệ, kết hợp khoa học kỹ thuật với công nghệ quản lý, tổ chức sản xuất được coi là chìa khóa để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.


Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tích tụ tập trung ruộng đất với quy mô hợp lý. Tạo điều kiện phát triển trang trại ở nông thôn và hình thành hợp tác xã, công ty nông nghiệp của các chủ trang trại để sản xuất hàng hóa.
 
Để ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bộ đang chuẩn bị thành lập Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của 20 doanh nghiệp lớn đang có nhiều mô hình hoạt động nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng bằng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và định hướng chuỗi sản xuất thông suốt, khép kín.
 

Hải Triều
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo