Chỉ trong vòng 5 năm (từ 2010 - 2015), ngành nông nghiệp Bình Định đã có những đổi thay khởi sắc trên mọi lĩnh vực...
|
Cánh đồng SX lúa chất lượng cao XK sang Nhật tại xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) |
Thành tựu này có được không chỉ bằng sự nỗ lực của ngành chức năng, mà còn nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của Đảng và chính quyền tỉnh này.
Bệ phóng trồng trọt
Nổi bật nhất trong những thành tựu của nông nghiệp Bình Định là ngành trồng trọt. Từ phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng tiên tiến và hiện nay đang tiến tới xây dựng những cánh đồng lớn.
“Nếu như cánh đồng mẫu lớn chủ yếu giải quyết yếu tố kỹ thuật, giải quyết đầu ra của một số mô hình thì cánh đồng lớn được xây dựng có chính sách đầu tư của Nhà nước, hợp đồng lâu dài với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân thời gian ít nhất là 10 năm.
Tham gia trong những cánh đồng lớn, doanh nghiệp yên tâm đầu tư và nông dân yên tâm về đầu ra và giá cả của nông sản. Mô hình cánh đồng lớn còn tăng cường thêm về yếu tố kỹ thuật, vì khi đã có định hướng trong 10 năm thì kỹ thuật sẽ được đưa vào từng bước trong thực tế SX, cập nhật từng thời điểm”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định.
Thành tựu của ngành trồng trọt Bình Định còn có thể kể đến những chuỗi SX, ví như chuỗi SX đậu phộng và SX giống lúa. Nhắc đến lúa giống, tôi chợt liên tưởng đến những cánh đồng lúa bằng tăm tắp ở tỉnh này. Điều đó chứng tỏ Bình Định đã lựa chọn được những giống lúa có nhiều ưu điểm, nhất là có độ đồng đều cao.
Bên cạnh đó, những cánh đồng nằm trong vùng bị xâm nhập mặn như phía đông huyện Tuy Phước và đông huyện Phù Cát cũng đã có những giống lúa phù hợp, cho năng suất cao. Cả những địa bàn miền núi cũng được đưa vào những giống lúa thích ứng với điều kiện canh tác. Nhờ đó, năng suất lúa ở Bình Định hiện nay hầu như đã đạt mức kịch trần.
“Do vậy, chúng tôi đang bắt đầu hướng tới những giống lúa có chất lượng cao. Sở NN-PTNT đã tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh là trong thời gian tới sẽ hướng ngành trồng trọt tiến tới giá trị sản phẩm chứ không dừng lại ở sản lượng. Hiện nay ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn đã xây dựng được vùng SX lúa chất lượng cao xuất khẩu sang Nhật và tiêu thụ ở các thành phố lớn. Về cây trồng lâu năm chúng tôi cũng đã xây dựng được vùng sản xuất xoài và đậu phộng công nghệ cao ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát”, ông Hổ cho hay.
Để có được những thành tựu trên là nhờ tỉnh này đã có những chính sách phát triển giống cây trồng. Ví như giai đoạn 2016 - 2020, Bình Định tiếp tục có chính sách hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào dân tộc miền núi, sau nhiều năm thực hiện, năng suất lúa ở đây đã tăng được từ 30 - 40%, Bình Định đã cơ bản xóa được tình trạng thiếu lương thực ở những vùng cao.
Chăn nuôi vững chắc
Về lĩnh vực chăn nuôi, Bình Định đã xây dựng được vùng chăn nuôi heo bền vững tại huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo của miền Trung”. Tại đây đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, những trang trại an toàn dịch bệnh và đang tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Cũng theo ông Hổ, Tập đoàn Hùng Vương đang xây dựng trang trại chăn nuôi heo cụ kỵ tại xã Cát Lâm (huyện Phù Cát). Trong năm 2017 trang trại này bắt đầu đi vào hoạt động, đến lúc đó diện mạo ngành chăn nuôi heo ở Bình Định sẽ có những thay đổi sáng sủa, vì năng suất và hiệu quả sẽ được tăng lên nhờ đàn heo giống được cải tiến.
Tỉnh Bình Định cũng đang bắt đầu phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò. Hiện đàn bò lai của tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 75% trong tổng đàn. Từ đàn bò cái nền lai, Bình Định tiếp tục triển khai cho phối với các giống bò ngoại để cho ra đàn bò thịt chất lượng cao, làm nền tảng tiến tới xây dựng thương hiệu “Bò thịt Bình Định”.
“Trong thời gian vừa qua, nghề nuôi bò ở Bình Định phát triển ổn định và bền vững, thu nhập người chăn nuôi đạt cao. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đưa bò lai về các vùng miền núi để cải thiện giống bò địa phương theo chương trình xây dựng NTM, để hiệu quả trong chăn nuôi bò không còn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định cho biết.
Sở dĩ ngành chăn nuôi ở Bình Định có những bước phát triển như đã kể trên phải kể đến chính sách tiêm phòng cho gia súc, gia cầm do UBND tỉnh Bình Định áp dụng suốt nhiều năm nay.
|
Sản xuất giống cây lâm nghiệp tại Bình Định được kiểm soát chặt chẽ |
“Trước đây, cái vướng nhất trong vấn đề tiêm phòng là ai trả tiền. Nông dân thì không khá giả gì. Vậy nên chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ vacxin tiêm phòng hàng năm theo phương thức tỉnh 50%, huyện 50%, dân chỉ trả tiền công. Suốt thời gian thực hiện chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt, 5 năm qua Bình Định đã khống chế được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Nếu dịch bệnh xảy ra thì mất mát còn lớn hơn”, ông Phan Trọng Hổ chia sẻ.
Thủy sản, lâm nghiệp khởi sắc
“Bức tranh” thủy sản ở Bình Định hiện cũng đang rất tươi sáng, nhất là trong đánh bắt xa bờ. Hiện Bình Định có đội tàu cá khá lớn với hơn 7.000 chiếc, đặc biệt là đang từng bước đưa công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương kiểu Nhật đến với ngư dân.
Về nuôi trồng, Bình Định đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Hiện Tập đoàn Việt Úc đang xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với diện tích 406ha, giai đoạn đầu đang xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích 100ha. Với cách nuôi mới, năng suất tôm nuôi sẽ tăng gấp 10 - 20 lần so với trước đây.
Điều đáng nói là sau khi hoạt động, Tập đoàn Việt Úc sẽ chuyển giao công nghệ cho người nuôi tôm tại địa phương. Ngoài ra, Bình Định cũng đã quy hoạch được 2 vùng nuôi tôm công nghệ cao khác ở xã Cát Tiến và Cát Hải (huyện Phù Cát), hiện đã có 6 doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Nét nổi bật nhất trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Bình Định hiện nay là tỉnh này đã xây dựng được hệ thống SX giống cây lâm nghiệp rất bài bản, được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có nhiều cơ sở SX giống cây lâm nghiệp công nghệ cao bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ngành chủ quản đã có đánh giá Bình Định là địa phương SX giống lâm nghiệp công nghệ cao tốt nhất nước.
Trong rừng trồng, tỉnh đang xây dựng chuỗi SX cây gỗ lớn để tăng thêm thu nhập cho người trồng rừng và giảm áp lực về nguyên liệu trong chế biến đồ gỗ. Đặc biệt, chuỗi SX cây dược liệu dưới tán rừng đang triển khai tại xã An Toàn (huyện An Lão) được bao tiêu bởi Cty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đã tạo thêm thu nhập cho người dân vùng cao.
Theo nhìn nhận của người đứng đầu ngành nông nghiệp Bình Định, trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh này đã có những bước chuyển biến khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, ví như ứng dụng công nghệ cao vào SX còn yếu và quy mô SX còn nhỏ lẻ, diện tích manh mún, chưa được đầu tư đúng mức.
“Do vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên tất cả mọi lĩnh vực để nâng cao năng suất, hiệu quả. Tiếp đến chúng tôi sẽ lựa chọn những sản phẩm có lợi thế để phát triển nhằm làm tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời đẩy mạnh các chuỗi SX, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học để từng bước đưa SXNN đi theo hướng bền vững”, ông Phan Trọng Hổ nói.
+ Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách để tích tụ ruộng đất, đây là việc việc phải làm. Bởi nếu không tích tụ được ruộng đất sẽ không chuyển giao được tiến bộ KHKT vào SX, không thể cơ giới hóa trong SX và không thể tạo được thế SX hàng hóa.
Sở NN-PTNT đang chuẩn bị trình lên Tỉnh ủy chủ trương tích tụ ruộng đất. Sau đó sẽ xây dựng mô hình ở 1 số địa phương gắn với doanh nghiệp bằng hình thức nông dân góp đất vào doanh nghiệp như là cổ đông hùn vốn, nông dân sẽ làm việc như một công nhân.
+ “Phong trào xây dựng NTM tại Bình Định được đánh giá là tỉnh làm tốt nhất khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Đặc biệt, các địa phương cũng có nợ, nhưng không lớn, bởi chúng tôi đã đề ra chủ trương xây dựng NTM gắn với thực tế từng địa phương và tiềm lực hiện có, không chạy theo thành tích để lại hậu quả nợ nần”, ông Phan Trọng Hổ.
|