Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy lợi của địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Bạc Liêu cần hơn 6.100 tỷ đồng để thi công các công trình thủy lợi.
Từ nguồn vốn này, tỉnh Bạc Liêu sẽ đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống đê biển, các cống trên đê biển; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống thủy sản; nạo vét các hệ thống thủy lợi cấp bách, tháo chua, rửa mặn phục vụ sản xuất. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu cũng duy tu, sửa chữa 16 cống ngăn mặn và xây dựng 30 trạm bơm nước do Bỉ đầu tư từ nguồn vốn ODA. Nạo vét các kênh thủy lợi ở một số tiểu vùng nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa, tôm ở thị xã Giá Rai và huyện Hồng Dân… Việc tái cơ cấu ngành thủy lợi của Bạc Liêu nói trên là nhằm đảm bảo cấp thoát nước phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đồng thời góp phần mở rộng hệ thống giao thông đường thủy để phát triển giao thông nông thôn; chống triều cường và mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản…
Đồng chí Dương Thành Trung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết: Năm 2016, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho nông sản Bạc Liêu; đồng thời, phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng nền kinh tế hàng hóa cho nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới; tiếp tục lộ trình xây dựng Bạc Liêu trở thành vùng nuôi tôm thâm canh lớn nhất cả nước; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, toàn diện, bám sát và thực hiện hiệu quả các tiêu chí về kinh tế, văn hóa, hệ thống chính trị, đời sống nhân dân.
|
Một vùng quy hoạch nuôi thủy sản ở Bạc Liêu. (Ảnh: K.V) |
Từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ tập trung khai thác và tận dụng tối đa lợi thế của ba tiểu vùng sinh thái, đó là: Tiểu vùng giữ ngọt ổn định (sinh thái ngọt), tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A (sinh thái lợ) và vùng phía Nam Quốc lộ 1A (sinh thái mặn); giữ vững diện tích đất chuyên trồng lúa nước, phát triển mở rộng trồng lúa trên đất nuôi tôm; xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh quy mô lớn, mở rộng diện tích trên đất bãi bồi ven biển. Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, thẻ, cua biển, nhuyễn thể; lúa, gạo, muối thực phẩm chất lượng cao, ...) và các sản phẩm có triển vọng phát triển (rau, đậu, gia cầm, cá sấu, chim yến,...); kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời quan tâm chăm lo đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ của rừng tập trung và cây lâu năm.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng tập trung chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông dân, ngư dân, nhất là việc chuyển giao các giống mới, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng yêu cầu tăng nhanh giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất lúa đạt 50% diện tích vào năm 2020 và từng bước triển khai mô hình hợp tác, liên kết trong nuôi trồng thủy sản./.