Ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An vừa ký kết Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười với mục tiêu xây dựng và phát triển khu vực trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông, thủy sản, nguồn nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương.
|
Ảnh minh họa |
Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước với diện tích khoảng 697.000 ha, chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trải rộng trên 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Đây là vựa lúa, là vùng có nhiều trái cây đặc sản như xoài, nhãn, dứa và cũng là vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao tại khu vực ĐBSCL. Đó là những điều kiện thuận lợi để 3 tỉnh tiến tới việc liên kết nhằm mục đích khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh của tiểu vùng tạo ra những giá trị kinh tế cao và bền vững về sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, trọng tâm của chương trình liên kết 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười là tổ chức xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Ngoài ra, 3 tỉnh còn định hướng liên kết ở các hoạt động khác như kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến công nghiệp, thương mại, du lịch; tổ chức tái cơ cấu nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất; phát triển hạ tầng nhất là giao thông thủy lợi; quy hoạch, bảo vệ, quản lý khai thác các tài nguyên nước. Đặc biệt, liên kết tiểu vùng để xây dựng các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước trong khu vực trong giai đoạn hiện nay.
Việc ký kết thành công Đề án sẽ tạo nền tảng cho việc hình thành chuỗi liên kết các tiểu vùng khác như liên kết tiểu vùng tứ giác Long Xuyên và liên kết tiểu vùng các tỉnh bán đảo Cà Mau trong thời gian tới. Điều này sẽ thúc đẩy lộ trình xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng được TTXVN dẫn lời cho biết, mặc dù tham gia Đề án nhưng mỗi tỉnh cần có định hướng cụ thể tùy theo điều kiện địa bàn và chủ động triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành tại địa phương trên cơ sở các định hướng chung của cả nước. Đồng thời rà soát quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương; tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất tiến tới phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, ông Hoàng Văn Thắng cũng yêu cầu địa phương cần tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến có hiệu quả, cũng như việc tăng cường công tác quản lý giống, vật tư chuyên dùng, chuyên ngành, thức ăn, phân bón phục vụ phát triển sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành đã được xác định.