Cần gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp
15:19 - 03/10/2016
Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc, việc đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất đã góp phần quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội.
Vườn tiêu xanh trên đảo Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh minh họa: HNV)

Thực tế cho thấy, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã đạt được sản lượng lương thực bình quân đầu người ở mức cao trong nhóm các nước thu nhập trung bình (năm 2015 đạt khoảng 547 kg/người). Với thành tựu này, nhiều nước đang tìm cách học tập kinh nghiệm Việt Nam về đảm bảo an ninh lương thực. Trong số các nền kinh tế mới nổi châu Á, năng suất lúa của Việt Nam chỉ kém Trung Quốc.

Mặt khác, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9 năm 2016 ước đạt 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2016 đạt 23,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015… Điều này cho thấy, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng bùng nổ, đưa Việt Nam vào nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về các mặt hàng nông sản đa dạng, từ tôm, cà phê tới hạt điều, gạo, hồ tiêu…

Tuy nhiên, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và xuất khẩu. Việt Nam còn thua kém không ít nước trong khu vực, nếu xét về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lao động và tài nguyên nước. Năng suất yếu tố tổng hợp đã từng tăng trưởng mạnh, nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống trong vài năm gần đây. Khoảng cách giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng doãng ra và bất bình đẳng thu nhập tại khu vực nông thôn ngày càng tăng.

Điều này đã ảnh hưởng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững của Việt Nam. Chẳng hạn, vùng Tây Bắc vẫn là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011-2015, tuy tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 (842.017 hộ nghèo) xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014 (484.181 hộ nghèo), còn khoảng 15% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm gần 4%/năm), tốc độ giảm nghèo toàn vùng tương đối nhanh, nhưng vẫn còn cao gần gấp đôi so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn quốc trong cùng giai đoạn.  

Một vấn đề đang đặt ra trong xuất khẩu nông sản đó là, tuy đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, nhưng hầu hết hàng nông sản của Việt Nam được bán ở dạng nguyên liệu thô với giá thấp hơn các nước khác do còn thua kém về chất lượng và một số nguyên nhân khác. Ngay ở trong nước, an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng quan ngại.

Mặt khác, tuy đạt được tăng trưởng sản lượng nông nghiệp, nhưng lại chủ yếu dựa vào sử dụng ngày càng nhiều yếu tố đầu vào với chi phí lớn hơn. Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Do đó, tăng trưởng nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như phá rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nguồn nước. Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất.

Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nông nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước không ít thách thức. Ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nguồn nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất thấp của nông sản thô. Sử dụng quá mức vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Một số vấn đề môi trường đang cản trở tăng năng suất lao động và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng muốn thành công thì các hộ nông dân và doanh nghiệp cần có khả năng tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững.

Để tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu những tồn tại, trong tương lai, ngành nông nghiệp cần ra sức “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Tức là, phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân và người tiêu dùng, đồng thời sử dụng ít hơn tài nguyên, nhân công và hóa chất độc hại. Tăng trưởng sẽ dựa chủ yếu trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2013 đã chỉ rõ sự chuyển hướng chiến lược này. Đề án đề ra những mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế, xã hội và bền vững về môi trường. Đề án định hướng cho sự thay đổi trong vai trò của Chính phủ, chi tiêu công và yêu cầu hợp tác với khu vực tư nhân và các bên liên quan trong ngành nông nghiệp.

Hiện nay, nhiều hoạt động đang được triển khai theo hướng này. Nếu muốn đạt kết quả trên quy mô rộng, toàn ngành thì cần có những thay đổi chính sách quan trọng cấp quốc gia, cấp ngành và dần dần đổi mới và bổ sung thể chế hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải liên tục học hỏi, thử nghiệm và rút kinh nghiệm để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp./.
Đặng Hiếu
Nguồn: Dangcongsan.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo