Tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn
14:56 - 04/10/2016
TP Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người đang cư trú và công tác, học tập, du lịch. Để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô, hàng năm cần 890 nghìn tấn gạo; 139 nghìn tấn thịt gia súc; 42 nghìn tấn thịt gia cầm; 900 triệu quả trứng...
Cán bộ Chi cục Thú y Hà Nội kiểm soát giết mổ gia cầm tại Công ty Lan Vinh (huyện Gia Lâm)

 

Để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô, hàng năm cần 890 nghìn tấn gạo; 139 nghìn tấn thịt gia súc; 42 nghìn tấn thịt gia cầm; 900 triệu quả trứng các loại; 54 nghìn tấn hải sản tươi sống, chế biến; 900 nghìn tấn rau, trên 400 nghìn tấn quả tươi…

Trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của Hà Nội mới đảm bảo khoảng 69% thịt gia súc, gia cầm; 32% thủy sản; 38% gạo tẻ chất lượng; 60% rau, củ quả; 18% trái cây tươi các loại. Còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác và nhập khẩu từ nước ngoài.

Để cung cấp lượng nông sản, thực phẩm trên, trên địa bàn TP có 1.637 trang trại. Trong đó 147 trang trại tổng hợp, 1.346 trang trại chăn nuôi, 132 trang trại nuôi trồng thuỷ sản, 11 trang trại trồng trọt...
 

Về HTX sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, toàn TP hiện có 1.088 HTX, bao gồm 1.027 HTX Dịch vụ nông nghiệp, 23 HTX chăn nuôi; 09 HTX Thuỷ sản; 29 HTX trồng trọt (rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả…). Doanh thu bình quân trên 990 triệu đồng/HTX, thu hút khoảng 1,1 triệu xã viên.

Với DN sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, Hà Nội hiện có trên 154.000 DN, là địa phương đứng thứ hai cả nước về số lượng DN. Trong đó có khoảng 1.150 DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các DN kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, có tổng vốn kinh doanh thấp (tỷ lệ DN có vốn kinh doanh dưới 10 tỷ đồng trên 80%).
 

Về hệ thống kênh phân phối nông sản thực phẩm, Hà Nội hiện có 425 chợ, trong đó có 15 chợ hạng một, 66 chợ hạng hai, 310 chợ hạng ba và 34 chợ chưa được phân hạng. Ngoài ra còn có 24 trung tâm thương mại, 136 siêu thị và trên 1.000 cửa hàng nông sản thực phẩm.

Các hình thức cung cấp nông sản thực phẩm cho người tiêu dùng rất phong phú và đa dạng như chợ đầu mối, chợ dân sinh; siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; cung cấp trực tiếp đến các bếp ăn tập thể; bán hàng online; bán hàng lưu động …

Thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của Hà Nội hiện sản xuất mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua Trung ương và TP đã ban hành một số chính sách hỗ trợ sản xuất đến tiêu thụ. Công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên bên cạnh mặt được, các HTX, DN sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm tại Hà Nội cũng đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Để tạo điều kiện cho các HTX, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể.
 

Về chính sách, tham mưu đề xuất UBND TP xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế. Bổ sung chính sách ưu đãi về thuê đất đai sát với thực tế sản xuất trong nông nghiệp; Có chính sách về quỹ đất sạch cho doanh nghiệp để kết hợp chăn nuôi - trồng trọt, thực hiện các dự án liên kết.

Xây dựng chính sách bảo hiểm thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tham gia và yên tâm trong liên kết sản xuất. Đơn giản hoá các thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về chính sách, thị trường cũng như các hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển giao khoa học- công nghệ, tạo cho doanh nghiệp có cơ hội được tìm hiểu và tiếp cận các công nghệ mới trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp trong nước được chuyển giao các sản phẩm khoa học- công nghệ trong nông nghiệp đến với bà con nông dân.

Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm Nông nghiệp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp, cá nhân làm hàng nhái, hàng giả, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.
 

Đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá, thương hiệu để người sản xuất, nhà kinh doanh, người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm nông sản an toàn, các vật tư sản xuất nông sản sạch, các gương điển hình trong sản xuất nông sản an toàn. Tuyên truyền rộng rãi và khuyến khích bà con nông dân thực hiện hiệu quả chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”.

Đẩy mạnh việc cung cấp các thông tin về vùng sản xuất, sản phẩm đặc trưng, doanh nghiệp tiêu thụ, thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp kết nối hiệu quả. Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong và ngoài thành phố. Đào tạo nguồn nhân lực để giúp cho việc tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đối với người tiêu dùng tập huấn kiến thức nhận diện sản phẩm an toàn, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hoàng Sơn
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo