Việt Nam có rất nhiều loại lan rừng quý, thế nhưng do bảo tồn không tốt, nhiều chủng loại đặc chủng đang dần biến mất. “Tôi chỉ mong sao có thể nhân giống ra nhiều loại lan rừng đang dần tuyệt chủng để cung cấp cho người có đam mê” - Trịnh Văn Sỹ (xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ.
Vườn lan rừng đặc hữu “nức tiếng cả nước”
Vườn lan rừng Văn Sỹ của anh Trịnh Văn Sỹ đang trồng hơn 200 giống lan rừng, trong đó chủ yếu là lan rừng đặc hữu quý hiếm trong nước. Dẫn chúng tôi tham quan vườn lan rừng rộng hơn 1.800m2, anh Sỹ tự hào: “Có thể vườn lan rừng của tôi không phải là lớn nhất tỉnh Lâm Đồng nhưng tôi có thể khẳng định, tôi đang sở hữu những giống lan quý mà hiện nay nhiều bạn bè chơi lan khắp cả nước đang “năn nỉ” tôi bán lại nhưng vì chưa nhân giống được nên tôi chưa đồng ý bán”.
|
Anh Sỹ trong vườn lan đang nở rộ dịp Tết Nguyên đán 2016. |
Minh chứng cho lời nói, anh Sỹ chỉ vào chậu lan “Văn Sỹ”, bảo: “Loài lan này hiện có giá 10 triệu đồng/cm nhánh (giả hành), đây là loài lan tôi tình cờ có được từ một đồng bào dân tộc thiểu số chuyên đi hái lan rừng bán lại. Sau khi chăm sóc ra hoa, tôi thấy hoa rất lạ nên giới thiệu với giới chơi phong lan cảnh Việt Nam và họ cũng “chưa từng tìm ra” loài hoa này trong các từ điển và các báo cáo trước đó. Vì vậy họ đặt theo tên tôi. Hiện nay, nhiều bạn chơi lan ở Đà Lạt, Hà Nội… vào tận nơi hỏi mua nhưng do nhân giống loài này rất khó nên tôi chưa bán” - anh Sỹ kể.
Rồi anh chỉ tiếp giò lan thủy tiên đột biến trắng tuyền bảo, mỗi nhánh của loại lan này có giá khoảng 10 triệu đồng nhưng hiện nay cũng khan hàng. Đây là loại hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán, hoa phát thành chùm cong hay buông thõng xuống với nhiều hoa to, sắp xếp rất duyên dáng; lá dài, hoa chơi rất bền, không bị rụng. “Đây là loài lan đột biến, nguồn gen rất yếu nên cấy mô dễ bị chết yểu. Bởi thế, hiện tại loài này chỉ có cách nhân giống thủ công bằng thân già nên rất lâu phát triển và cũng dễ chết nếu không chăm sóc đúng kỹ thuật” - anh Sỹ thông tin.
"Lâu nay nông dân ta phải nhập nhiều loại lan từ nước ngoài, có thể hoa lớn hơn, màu sắc rực rỡ hơn nhưng tôi dám khẳng định hoa lan rừng đặc hữu của Việt Nam còn quý gấp trăm lần ở màu sắc, mùi thơm, độ bền của hoa… Tôi mong muốn Việt Nam chúng ta lập được một khu bảo tồn lan rừng để những loài lan quý hiếm đó được bảo tồn và nhân rộng”.
Anh Trịnh Văn Sỹ
|
Kể về quá trình “sưu tầm” lan rừng, anh Sỹ cho biết, những ngày mới bắt đầu chơi anh cũng lặn lội khá nhiều khu rừng ở Lộc Bắc, Lộc Nam, Di Linh, Bảo Lộc… để tìm những loại lan quý nhưng sức người có hạn nên sau đó anh lựa chọn mua lại từ đồng bào người dân tộc vào rừng lấy lan về… bán ký (tính theo kg - PV). Từ những lần mua lan… tính ký này, anh Sỹ chọn lựa được rất nhiều giống lan quý trong hơn 200 loài đặc hữu mà anh đang có. Dù vậy, anh vẫn luôn tiếc nuối: “Thực tế có nhiều loài mới được phát hiện nhưng do người mua không biết chăm sóc nên dần mất giống. Tiếc lắm…”.
Hiện nay, vườn lan của gia đình anh Sỹ trở thành mô hình điểm của TP.Bảo Lộc, chuyên cung cấp cho người đam mê lan rừng khắp cả nước nhiều loại lan quý đặc hữu của vùng cao nguyên Lâm Đồng như: Long tu, kim điệp, giả hạc Di Linh, đại ý thảo trắng… mang về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Mấy năm qua, thu nhập từ lan rừng dịp tết của gia đình anh vào khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Ôm sạch giải hội hoa xuân
Không chỉ sở hữu vườn lan rừng với nhiều loại “đặc hữu” quý hiếm, anh Trịnh Văn Sỹ còn nổi tiếng gần xa về kỹ thuật chăm sóc hoa lan. Ông Vũ Văn Pháp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh, nói: Mô hình trồng lan rừng của anh Sỹ được TP.Bảo Lộc đánh giá rất cao bởi hiệu quả kinh tế và hơn hết là bảo tồn được giống lan rừng quý hiếm của vùng đất Lâm Đồng. Mà chúng tôi cũng phải phục anh Sỹ, tuy anh đang canh tác hơn 3,2ha cà phê cho năng suất khá cao (4 tấn nhân/ha) nhưng anh vẫn có thời gian để chăm sóc lan tốt, trở thành điểm đến của người chơi lan khắp cả nước.
Đặc biệt, Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè, lần đầu tiên anh Sỹ mang những tác phẩm lan rừng do chính bản thân anh nâng niu, chăm sóc xuống TP.HCM tham dự Hội hoa xuân Tao Đàn và liên tiếp đoạt 3 giải của hội hoa xuân, gồm: Giải Đặc biệt với tác phẩm “Đại ý thảo trắng”; 1 giải Bạc lan kim điệp; 1 giải Khuyến khích Lan thủy tiên. Ngay sau khi tham dự hội hoa xuân ở TP.HCM, anh Sỹ tiếp tục được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mời tham dự “Hội hoa xuân TP.Vũng Tàu năm 2016” và tiếp tục đoạt các giải: Giải Nhất hoa lan Hoàng phi hạc; Giải Ba với tác phẩm Long tu xuân và 2 giải Khuyến khích về lan tự do.
Biết anh đoạt các giải thưởng lớn, nhiều bạn chơi lan rừng đã tìm đến tận vườn để hỏi mua một số giống lan quý nhưng tùy theo từng loại, khí hậu từng vùng mà anh quyết định có bán hay không. “Không phải cây lan nào tôi cũng bán. Có những cây cực kỳ quý hiếm, đẹp, tôi chỉ bán cho những người sành về lan, kể cả với giá rẻ hơn nhiều so với những khách hàng khác. Đôi khi, có những cây lan vô giá, tôi yêu nhưng người khác cũng yêu, tôi có thể chấp nhận trao đổi mà không bàn tới chuyện tiền nong” - anh Sỹ tâm sự.
Là một nông dân chính hiệu nhưng ước mơ của anh Trịnh Văn Sỹ lại không hề nhỏ. Anh bảo, anh đã liên hệ với Viện Sinh học TP.HCM để kết hợp nhân giống những sản phẩm lan đặc thù, quý hiếm của vùng đất Lâm Đồng. “Lâu nay nông dân ta phải nhập nhiều loại lan từ nước ngoài, có thể hoa lớn hơn, màu sắc rực rỡ hơn nhưng tôi dám khẳng định hoa lan rừng đặc hữu của Việt Nam còn quý gấp trăm lần ở màu sắc, mùi thơm, độ bền của hoa… Tôi mong muốn Việt Nam lập được một khu bảo tồn lan rừng để những loài lan quý hiếm đó được bảo tồn và nhân rộng”- anh Sỹ tâm tư.
Chia sẻ về mô hình trồng lan rừng của gia đình anh Trịnh Văn Sỹ, ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Bảo Lộc nói: “Nhiều năm trở lại đây, nhiều giống lan rừng ở Lâm Đồng cũng dần khan hiếm. Vì vậy, việc sưu tầm và bảo tồn giống lan rừng của anh Sỹ đang là một mô hình mới, vừa có hiệu quả kinh tế vừa giúp những người chơi lan có địa chỉ trao đổi, học hỏi lẫn nhau...”.