Bỏ lại những con tàu, tạm xa gia đình hàng năm trời, nhiều ngư dân làng biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đua nhau đăng ký xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc để mong tìm cơ hội đổi đời. Ở nước bạn, họ cũng làm ngư dân trên những con tàu đánh bắt xa bờ...
|
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên ở Bình Minh sau những chuyến xuất ngoại |
Nhiều người chỉ trong vài năm đã dành dụm được số tiền hàng tỉ đồng nhưng cũng có những người đã phải đổ nước mắt, máu, thậm chí cả tính mạng khi giấc mơ đổi đời vẫn còn dang dở.
Sau thảm họa Chanchu, nhiều ngư dân Bình Minh bỏ nghề tìm việc khác mưu sinh. Một công ty xuất khẩu lao động xuất hiện đưa họ sang tận Hàn Quốc làm ngư dân với cam kết môi trường an toàn và lương cao. Những người đi tiên phong trở về với hàng trăm triệu đồng làm vốn chỉ sau 3 năm ở Hàn Quốc khiến ngư dân đua nhau xuất ngoại.
Đua nhau xuất ngoại
Hơn 10 năm đã trôi qua, người làng Bình Minh vẫn chưa bao giờ quên được ký ức về cơn bão Chanchu năm 2006. Cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên đã cướp đi tính mạng 86 ngư dân cùng hàng chục con tàu công suất lớn. Sau cơn bão, làng Bình Minh còn được gọi với cái tên đau thương: Làng Chanchu.
Người làng Chanchu sau cơn bão, họ e dè hơn, ngại ngùng hơn khi nghĩ đến nghề đi biển. Nhiều người tìm công việc khác để mưu sinh. Nhưng rồi, họ lại tiếp tục gắn với nghề đi biển bằng cách xuất khẩu lao động làm thuê trên những con tàu đánh cá ở Hàn Quốc.
Cầm trên tay danh sách dài hàng trăm ngư dân đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, lãnh đạo xã Bình Minh vẫn không dám chắc đây là con số chính xác.
“Đây là những người đi xuất khẩu lao động do một công ty có thông qua xã để tổ chức đi. Nhiều người khác cũng sang Hàn Quốc nhưng do các đơn vị khác thực hiện”, một lãnh đạo xã Bình Minh nói.
Người Bình Minh chỉ biết rằng phong trào xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đánh cá bắt đầu manh nha cuối năm 2006. Tuy nhiên, phong trào này nở rộ bắt đầu từ thời điểm đầu năm 2011. Một công ty xuất khẩu lao động có trụ sở ở Hà Nội đưa dự án xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc về xã Bình Minh để triển khai. Lập tức, hàng chục ngư dân đăng ký tham gia làm hồ sơ.
“Chi phí cho toàn bộ hồ sơ, giấy tờ hồi đó không hề rẻ chút nào với mức giá lên đến 7.500 USD. Vợ tôi thấy vậy cũng nản nhưng mức lương họ đưa ra khiến tôi ham. Họ hứa hẹn chủ người Hàn Quốc sẽ trả lương trung bình từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chủ sẽ thưởng thêm nếu làm tốt công việc.
Mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt đều do họ lo hết. Tôi tính ra nếu tiết kiệm thì mỗi năm dư được 300 triệu đồng. Nói thiệt, nghề đi biển ở mình may ra chủ thuyền trúng mánh mới có chừng đó dư mỗi năm, còn bạn thuyền thì số tiền đó chỉ có nằm mơ. Nghĩ vậy, tôi quyết vay tiền để đi Hàn Quốc”, anh Hồ Ngọc Minh, một trong những người đầu tiên xuất ngoại chia sẻ.
Anh Lê Xuân Vệ cùng anh Minh là 2 trong số 20 ngư dân đầu tiên ở Bình Minh đi Hàn Quốc trong chuyến 1 năm 2011. Hơn 5 năm trôi qua, anh Vệ chưa bao giờ quên lý do để anh quyết định bỏ biển, bỏ con tàu quê nhà để làm việc trên tàu của người Hàn Quốc, biển của người Hàn Quốc.
Một ngôi nhà đang được xây dựng khang trang nhờ tiền công lao động ở xứ Hàn
“Tôi muốn đi để biết nước họ đánh bắt hải sản trên biển thế nào. Lương cao cũng là lý do thôi thúc tôi đi nước ngoài. Ban đầu tôi đăng ký đi 3 năm nhưng sau đó gia hạn thêm 2 năm nữa. Làm ở đó 5 năm, tôi dư gần tỉ đồng gửi về cho gia đình xây nhà, mở một tiệm internet kiếm thêm thu nhập”, anh Vệ nói.
Những đồng tiền gửi về quê nhà của anh Vệ, anh Minh cùng việc trao đổi thông tin khiến những ngư dân khác ở làng biển Bình Minh hào hứng. Họ đua nhau đăng ký xuất khẩu lao động với khát vọng làm giàu, đổi đời và kiếm ít vốn liếng lận lưng.
“Có thời điểm, chi phí cho việc làm thủ tục hồ sơ lên đến 10.000 USD, tùy theo số năm hợp đồng lao động nhưng ai cũng ham. Họ vay ngân hàng, vay mượn người thân, bạn bè. Có người thậm chí cầm cố sổ đỏ nhà đất để được đi xuất khẩu lao động. Có người làm việc trên tàu câu mực hoặc tàu đánh cá, cũng có người lặn bắt sâm biển, mò ngọc trai…Thời điểm này, ngư dân Bình Minh vẫn tiếp tục xuất ngoại làm thuê. Thị trường của họ giờ đã mở rộng hơn, ngoài Hàn Quốc còn có Đài Loan, Malaysia…”, anh Vệ chia sẻ.
Đổi thay chóng mặt
Những ngư dân làng biển Bình Minh, những người đàn ông trụ cột gia đình, chấp nhận bỏ biển quê nhà, gác lại con tàu, nỗi nhớ vợ con đi lao động ở Hàn Quốc rồi cũng được hưởng thành quả xứng đáng.
Công việc nơi đất khách giúp họ có nguồn thu nhập cao, ổn định mà ở quê nhà chỉ có trong mơ. Anh Vệ cho hay ngoài tiền lương cứng, chủ tàu nếu trúng quả còn thường xuyên thưởng cho thuyền viên. Ngoài ra, chủ tàu Hàn Quốc chỉ nhập hải sản loại 1, loại 2. Hải sản loại 3 thường được chủ tàu cho các thuyền viên phơi khô bán ra chợ để tăng thêm thu nhập.
“Mỗi tháng tùy theo chủ tàu, nghề đánh bắt mà thu nhập của chúng tôi dao động từ 30 đến 50 triệu đồng. Cơm ăn áo mặc họ lo hết nên nếu không tiêu xài cá nhân, có khi tôi gửi về quê tất cả”, anh Minh hồ hởi.
Những đồng tiền do họ lao động vất vả có được góp phần thay đổi bộ mặt làng Bình Minh khi sử được sử dụng đúng cách. Chỉ vào căn nhà 2 tầng to, đẹp của mình, anh Minh cười rạng rỡ cho hay nhờ vào tiền tích cóp được từ những tháng ngày làm việc ở Hàn Quốc.
“Tiền em gửi về vợ em đều cất giữ cẩn thận. Vợ em còn lấy một ít mở quán cà phê bán kiếm thêm thu nhập. Ngày em về hai vợ chồng dư hơn 600 triệu nên em xây cái nhà này. Quán cà phê thì đầu tư thêm, ngày càng đông khách. Bây giờ em không đi Hàn nữa nhưng đúng là nhờ quyết định đi xuất khẩu lao động mới có được cơ ngơi này”, anh Minh chia sẻ.
Anh Minh đoàn tụ với vợ con với một số vốn trong tay sau những ngày làm việc ở Hàn Quốc
Nổi bật nhất ở Bình Minh bây giờ là gia đình bà Nguyễn Thị Quý. Bà Quý có 3 người con trai thì cả 3 bây giờ vẫn còn đang làm việc tại Hàn Quốc.
“Tụi nó mới đi 2 năm, mỗi năm cả 3 đứa gửi về gần tỉ. Năm đâu tụi nó nói vợ chồng tôi ở đây xây cái nhà to để chống mưa bão để tụi nó yên tâm làm việc. Vợ chồng tôi xây hết 600 triệu. Năm vừa rồi tụi nó gửi về khoảng 1 tỉ nữa rồi dặn mua cái ô tô 7 chỗ để chở khách đi lại. Ông chồng tôi đi học lái, mua cái xe 700 triệu. Bây giờ ngày nào ổng cũng chở mấy ông khách du lịch ra vô Đà Nẵng miết. Chiếc xe bây giờ cũng kiếm ra tiền rồi. Sang năm tụi nó về, vợ chồng tôi thì mong nó ở nhà nhưng tụi nó nói đi thêm vài năm nữa”, bà Quý kể.
Giống như gia đình anh Minh, bà Quý, ở Bình Minh bây giờ nhà cao tầng đồ sộ không còn là chuyện hiếm như cách đây 10 năm. Nhiều gia đình còn sắm xe ô tô để chạy chơi hoặc phục vụ du lịch. Bộ mặt nông thôn của Bình Minh ngày càng đổi mới theo hướng tích cực.
“Nói thiệt, sau 5 năm ở Hàn về tôi cũng choáng với sự thay đổi ở quê nhà. Nhà cửa to đẹp, sạch sẽ. Đường làng được đầu tư xây dựng khang trang. Điện đường thắp sáng vào ban đêm. Trẻ con đứa nào cũng học hành đàng hoàng. Ở làng mà có đến mấy tiệm internet, quán cà phê cả dãy. May mắn là các dịch vụ đó đều không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống.
Tiền chúng tôi vất vả làm ra ở nước ngoài được gia đình sử dụng đúng cách, ngày càng sinh lãi. Có vậy, anh em đi làm việc ở nước ngoài mới yên tâm được. Điều buồn nhất mà em thấy là Bình Minh bây giờ ít tàu đi biển hơn trước. Tàu cũng nhỏ hơn nhiều”, anh Vệ nói.