Quy hoạch mắc ca được tính toán kĩ
16:21 - 08/04/2016
Ngày 7/4, trao đổi với báo chí về quy hoạch cây mắc ca, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ đã có quy hoạch chi tiết vùng trồng cây mắc ca và gửi tới từng địa phương để thực hiện.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Theo đó, từ nay đến năm 2020, Việt Nam chỉ trồng khoảng 9.940ha và cũng dành trên 2.300ha trồng tập trung còn lại là diện tích trồng xen canh.

Bộ NN-PTNT chính thức khuyến cáo các địa phương nên thực hiện theo đúng quy hoạch để tránh rủi ro cho nông dân. Bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch của các địa phương.

Cây mắc ca từng được một số doanh nghiệp “tôn vinh” là cây tỉ đô và kì vọng sẽ phát triển hàng trăm ngàn ha ở Việt Nam nhưng quy hoạch của Bộ NN-PTNT chỉ dừng ở diện tích xấp xỉ 10.000ha. Bộ NN-PTNT dựa trên cơ sở nào để đưa ra con số này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Để xây dựng quy hoạch vùng trồng mắc ca, Bộ NN-PTNT đã phải nghiên cứu rất kĩ các dữ liệu từ thực tiễn trong vòng 3 năm qua.

Tất cả các yếu tố tác động đến sản phẩm đều phải được phân tích một cách khoa học, sự phù hợp về sinh thái thổ nhưỡng để cây trồng phát triển; vấn đề thị trường; xác định các loại giống phù hợp và phân tích khả năng cung ứng giống, năng lực xây dựng các nhà máy chế biến...

Ví dụ, trồng mắc ca thì yếu tố sống còn phải là cây giống. Từng loại giống mắc ca, cơ sở sản xuất giống mắc ca phải được nhà nước công nhận. Quy hoạch phải xác định được năng lực cung ứng giống của các cơ sở có uy tín từ nay đến 2020 là bao nhiêu để tính diện tích gieo trồng cho phù hợp.

Bên cạnh đó, vấn đề chế biến, bảo quản cũng rất quan trọng do đặc thù của hạt mắc ca cần phải chế biến ngay trong 3 tiếng sau thu hoạch nên nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu. Rồi vấn đề thị trường, thế giới nói đây là cây tỉ USD nhưng nhìn ra thị trường thế giới ta thấy có sự chênh lệch rất lớn về giá.

Ở Úc giá mắc ca là 3,6 USD/kg, ở Nam Phi giá là 1,5 USD/kg còn ở Kenya giá chỉ còn 1 USD/kg mà giá bán dưới 1,5 USD/kg là không có lãi. Thực tế cho thấy Trung Quốc trồng ào ạt nhưng cũng không có kết quả tốt đẹp nên Bộ NN-PTNT xác định phải quy hoạch cẩn thận, càng thu thập nhiều dữ liệu đa chiều để phân tích thì càng tránh được rủi ro cho người nông dân.

Cũng cần phải nói rõ hơn là trong gần 10.000ha mắc ca đã được quy hoạch ở Tây Bắc và Tây Nguyên thì có tới trên 7.000ha là trồng xen canh để có điều kiện tiếp tục đánh giá, còn lại khoảng 2.300ha trồng thuần.

Bộ NN-PTNT đưa ra quy hoạch nhưng làm thế nào để người dân ở các địa phương thực hiện đúng theo quy hoạch này, thưa ông?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Việc trực tiếp giám sát thực hiện quy hoạch vùng trồng cây mắc ca là của Sở NN-PTNT và các cấp chính quyền địa phương.

Bộ NN-PTNT đã gửi thông báo chi tiết đến các tỉnh và yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy hoạch. Bộ cũng có trách nhiệm giám sát nhưng là giám sát việc tuân thủ quy hoạch của các địa phương.

Hiện nay đã có những vùng mắc ca trồng tự phát, không trùng với quy hoạch của Bộ NN-PTNT, vậy sẽ phải xử lý ra sao đối với những trường hợp này?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Chúng ta cần thấy rõ rằng quy hoạch vùng mắc ca dựa trên nghiên cứu đánh giá hiệu quả từ thực tiễn của các nhà khoa học. Tức là, những vùng ngoài quy hoạch sẽ không phù hợp với việc trồng cây mắc ca và sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi thậm chí mức độ rủi ro rất cao.

Bộ NN-PTNT không khuyên bà con nông dân ở những vùng ngoài quy hoạch chặt bỏ cây mắc ca nhưng người dân trồng tự phát thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm với vườn cây của mình nếu gặp rủi ro.

Vậy đối với những vườn cây mắc ca nằm trong vùng quy hoạch thì người nông dân sẽ được hưởng lợi những gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Nghị định 210 của Chính phủ đã dành hẳn một mục riêng về các chính sách hỗ trợ cho cây mắc ca. Người nông dân trồng mắc ca phù hợp với quy hoạch sẽ được hưởng trọn vẹn chính sách hỗ trợ theo Nghị định ngày.

Ngoài ra, người dân cũng có thể được ưu đãi vay vốn tín dụng theo Nghị định 55. Đây là những quyền lợi hết sức thiết thực mà người trồng mắc ca theo quy hoạch sẽ được hưởng.

Bộ có khuyến cáo gì với các địa phương cũng như nông dân cả nước sau khi ban hành quy hoạch vùng trồng mắc ca không, thưa ông?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương cần tuân thủ chặt chẽ quy hoạch vùng trồng mắc ca để tránh rủi ro cho nông dân. Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ NN-PTNT công bố công khai các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện để cung cấp giống chất lượng cho bà con nông dân.

Tránh trường hợp mua phải giống trôi nổi kém chất lượng. Bộ cũng sẽ kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo quy hoạch, hỗ trợ thị trường đầu ra cho sản phẩm mắc ca.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

KIÊN CƯỜNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo