Suốt 3 tháng qua ở ĐBSCL hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục tác động mạnh lên nhiều vùng trồng cây chuyên canh. Trong đó lúa, xoài… được các nhà khoa học đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
|
Tìm giải pháp thích ứng cho cây lúa ở vùng bị xâm nhập mặn |
Tổn thất lâu dài
Theo nhóm nghiên cứu đánh giá tác động biến đổi khí hậu (BĐKH), chuỗi ngành hàng lúa gạo và xoài tại ĐBSCL của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, trong thời gian qua, diện tích SX lúa ở ĐBSCL ổn định gần 4 triệu ha, năng suất tăng từ 5 tấn/ha năm 1995 lên 7 tấn/ha vào năm 2014 và theo quy hoạch đến năm 2020 tiếp tục thâm canh cây lúa.
Trong khi đó diện tích trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây xoài tăng nhanh. Năm 2010 toàn vùng có 17.000 ha, đến năm 2010 tăng lên 45.000 ha. Từ năm 2010-2014 xoài cho trái ổn định 35.000 ha. Hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang có diện tích trồng xoài chuyên canh lớn nhất vùng với hai giống xoài cát Chu và cát Hòa Lộc.
Năm 2016 mặn xâm nhập sâu ở 8 tỉnh ven biển ĐBSCL (gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Qua 3 tháng hạn, mặn đã gây thiệt hại gần 166.000 ha lúa. Riêng vườn xoài ở Đồng Tháp, Tiền Giang do phần lớn diện tích xoài trồng trong vùng đê bao nên ít bị ảnh hưởng.
Qua phân tích chuỗi SX lúa gạo cho thấy, xuất khẩu gạo chiếm 70%, tiêu thụ nội địa 30%. Trong khi đó, chuỗi giá trị SX xoài qua kênh bán lẻ, siêu thị tiêu dùng nội địa và xuất khẩu gần mức tương đương 50%. Trong nhiều năm qua Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ chuỗi lúa, xoài, hiệu quả giúp cải thiện năng lực, điều kiện SX, kinh doanh cho tác nhân trong chuỗi.
Tuy nhiên kết quả nghiên cứu nhận định BĐKH khiến SX lúa và xoài sẽ ảnh hưởng lên toàn chuỗi, nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do giảm năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng chí phí và hiệu quả lợi nhuận thấp. Trong khi đó cò mua bán, thương lái, DN cung ứng vật tư đầu vào, DN xay xát lau bóng, vựa (xoài) và tiêu thụ sẽ giảm doanh thu do giảm sản lượng, giảm công suất hoạt động, thiếu nguồn hàng cung cho đối tác đã hợp đồng, dư thừa lao động.
Cụ thể BĐKH gây thiệt hại trên lúa như nhiệt độ nắng nóng, hạn sẽ làm tăng chi phí phòng trừ dịch hại 5%, tăng chi phí bơm tưới thêm 5%; lũ gây ngập úng làm thiệt hại 30% (năng suất/sản lượng), tăng chi phí bảo dưỡng đê, bơm nước cứu lúa 5%, bán lúa giảm giá 5%; xâm nhập mặn giảm năng suất, sản lượng 30 - 50%; gió, bão, lốc xoáy làm thất thu năng suất, sản lượng 5 - 10% và tăng chi phí thu hoạch vận chuyển 5%.
Bên cạnh đó nhiều tổn thất kéo theo trong khâu sấy, xay xát, tồn trữ chế biến làm tăng chi phí và giảm phẩm cấp lúa gạo. Trong khi đó BĐKH trên xoài khi gặp nắng nóng, nhiệt độ tăng làm tăng chi phí nước tưới, tăng chi phí xử lý ra hoa; quản lý sâu bệnh; gió lốc xoáy, bão làm giảm tỷ lệ đậu trái 70%.
Giảm thiểu rủi ro
Nhìn lại những diễn biến rủi ro thiên tai do thời tiết cực đoan, BĐKH từ năm 2009 đến nay, GS.TS Bùi Chí Bửu nhận định, nghiên cứu khoa học công nghệ rất chính xác khi hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng thủy lợi và giống cây trồng cao sản. Hiện nay đất canh tác được tưới chiếm 85% diện tích, trong đó 1,71 triệu ha được tiêu nước chủ động (cao nhất khi so sánh với các nước ASEAN).
Vườn xoài sẽ bị tác động trước BĐKH
Bên cạnh đó, cuộc cách mạnh giống lúa khá thành công và triển khai biện pháp 3 giảm (giảm mật độ sạ, giảm dùng thuốc trừ sâu, giảm bón phân đạm) hiệu quả nên năng suất lúa bình quân tăng 1,2 - 2%, trong khi thế giới đang trong giai đoạn năng suất treo hoặc tăng chậm dưới 1%/năm.
Tuy vậy thay đổi khí hậu đang diễn ra thách thức càng lớn cho nhân loại về an ninh lương thực. Mùa khô năm 2016, ĐBSCL một lần nữa biểu hiện tính bất ổn định trong SX lúa gạo trước sự kiện khô hạn và mặn kỷ lục sau 100 năm.
Theo GS Bửu, trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL, lúa gạo vẫn là ngành SX chính, tỷ lệ cây màu trong lương thực chiếm 5 - 7% diện tích gieo trồng (trung bình cả nước 15%). Cải tiến giống lúa vẫn được xem là khâu trọng yếu, vì khả năng ứng dụng đại trà, ảnh hưởng rõ ràng của nó trước BĐKH, yêu cầu cấp bách của SX. Trong đó, bảo tồn tài nguyên đất và nước, bảo tồn tài nguyên di truyền cây lúa phải được ưu tiên đầu tư và được thực hiện có bài bản.
Để ứng phó trong điều kiện thời tiết cực đoan, BĐKH GS Bửu nhấn mạnh đến giải pháp SX lúa tiết kiệm nước; cải tiến giống lúa và quản lý tài nguyên nước ngọt.
“Nền văn minh lúa nước là nền nông nghiệp sử dụng rất nhiều nước, nếu chúng ta khuyến khích một nền nông nghiệp theo kiểu khai thác nguồn lợi thiên nhiên như trên thì sẽ không có đủ tài nguyên nước ngọt phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Qua thiệt hại diện tích lúa vụ ĐX muộn và vụ XH do hạn, mặn vừa qua cho thấy việc chấp hành tốt khuyến nghị của Cục Trồng trọt về lịch thời vụ gieo trồng mùa vụ ĐX mang yếu tố mang tính chất quyết định để giảm thiểu rủi ro bị ảnh hưởng hạn, mặn. Làm đúng nguyên tắc “1 phải 5 giảm” là yếu tố thức hai giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm rất lớn nguồn tài nguyên nước ngọt. Trong đó có nguyên tắc tiết kiệm nước tưới theo kỹ thuật “tưới ngập khô xen kẽ” (AWD).
Thay vì sử dụng 5 m3 nước SX ra 1 kg thóc, kỹ thuật này giúp nông dân chỉ cần 2 - 3 m3 nước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng kỹ thuật trồng lúa trong điều kiện canh tác không ngập nước với việc quản lý cỏ dại, phân bón bằng kỹ thuật tương thích và sử dụng giống lúa thích nghi...
TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI):
“ĐBSCL có 288.000 ha vườn cây ăn trái. Trước tình hình hạn, xâm nhập mặn, giải pháp lâu dài thích ứng BĐKH cần được quan tâm đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý; tăng cường hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn; xác định các giống cây trồng chịu ảnh hưởng BĐKH, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng BĐKH; đầu tư kinh phí nghiên cứu chọn lọc, lai tạo chọn giống cây ăn quả chống chịu điều kiện bất lợi: hạn, phèn, mặn, ngập; Xây dựng mô hình trồng giống cây thích ứng BĐKH...”.
|