Tảo “nở hoa” gây thủy triều đỏ khiến cá chết thế nào?
08:52 - 29/04/2016
Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển Việt Nam và thế giới thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân do tảo độc thủy triều đỏ gây ra.
Hiện tượng thuỷ triều đỏ.

Tối 27.4, tại cuộc họp do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân công bố thông tin về vụ cá chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung, cho biết các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ như sau: Có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo "nở hoa" mà trên thế giới gọi là hiện tượng "thủy triều đỏ".

Cá chết nhiễm độc, người ăn ngộ độc

"Thủy triều đỏ" hay sự "nở hoa" của tảo là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Sự "nở hoa" của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo... Hiện tượng "nở hoa" thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ôxy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải dương học - Nha Trang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nở hoa của tảo, như sự gia tăng các hàm lượng dinh dưỡng trong môi trường nước do các hoạt động nuôi trồng thủy sản và nước thải sinh hoạt của con người gây ra. Đây được xem là nguyên nhân đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự nở hoa của tảo độc; sự trao đổi lưu lượng nước kém; sự thay đổi bất thường của các điều kiện thời tiết khí hậu; giao thông biển và vận chuyển giống nuôi thủy sản mang theo bào tử nghỉ của tảo độc từ nơi này sang nơi khác và khi có điều kiện thuận lợi chúng bùng phát gây ra hiện tượng nở hoa.

Độc tố do tảo sinh ra gồm nhiều nhóm khác nhau, chúng được tích lũy trong thịt động vật thủy sinh thông qua chuỗi thức ăn và là nguyên nhân trực tiếp của nhiều dạng ngộ độc khác nhau. Người ta thống kê có các dạng ngộ độc sau: Gây liệt cơ, tiêu chảy, gây mất trí nhớ, ngộ độc thần kinh…

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây hại. Trong đó, hiện tượng nở hoa của loại tảo Phaeocystis globosa thường xảy ra ở vùng biển Bình Thuận và kéo dài khoảng trên dưới 1 tháng.Tảo độc gây chết tôm, cá. Rất nhiều nhóm tảo thông thường tồn tại trong thủy vực có khả năng gây chết đối với động vật thủy sinh. Động vật thủy sản nuôi trong lồng và ao đầm chịu nhiều ảnh hưởng của tảo độc hơn động vật sống tự nhiên trong vực nước vì chúng không có khả năng chạy trốn khỏi vực nước bị ảnh hưởng của tảo độc hại.

Tảo sinh độc tố, nhiều nghiên cứu đã chứng minh độc tố sinh ra từ các loài tảo độc có tiên mao (Dinoflagellata) có thể làm tổn thương mang, ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của động vật thủy sinh, gây hiện tượng xuất huyết, vỡ mạch máu hay tác động đến hệ thần kinh của động vật thủy sản.

Ngoài ra sự nở hoa của tảo độc còn có thể làm biến động lớn các chỉ tiêu về môi trường như: DO, PH, kiềm, làm thay đổi hàm lượng kim loại nặng trong nước biển thông qua quá trình trao đổi ion kim loại của các tế bào tảo. Một nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện một số loài tảo có tiên mao (Dinoflagellata) thuộc giống Psymneseum có thể thải ra độc tố làm vỡ các mạch máu làm cho tôm cá chết hàng loạt.

Hiện tượng “thủy triều đỏ” có xu hướng gia tăng

Đây là hiện tượng xảy ra trong tự nhiên có từ lâu đời, tuy nhiên các khảo sát mới đây cho thấy tần suất các đợt nở hoa tảo độc gây thiệt hại cho sản xuất có xu hướng gia tăng trong khoảng hai thập niên vừa qua. Một phần là nhận thức khoa học về vấn đề này đang ngày càng được nâng lên. Ngày càng có nhiều chương trình nghiên cứu với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và các hệ thống quan trắc cũng được tăng cường hơn nên hiện nay có nhiều số liệu nghiên cứu, quan sát về hiện tượng “thủy triều đỏ” trong tự nhiên.Các thống kê cho thấy thực sự có sự gia tăng đến mức đáng lo ngại về tần suất xuất hiện và mức độ thiệt hại do các đợt “thủy triều đỏ” gây ra. Việc tiến hành các chương trình nghiên cứu, kiểm soát tảo độc hại trong các khu vực nuôi trồng thủy sản đảm bảo lợi ích các khu vực này vì nó đảm bảo sự an toàn môi trường nuôi, đảm bảo an toàn hệ sinh thái ven biển và đảm bảo sản lượng thủy sản không bị ảnh hưởng bởi các đợt nở hoa của tảo độc. Điều quan trọng hơn là nó đảm bảo các sản phẩm thủy sản được sản xuất ra trong khu vực đó an toàn đối với người tiêu dùng và như vậy góp phần đảm bảo uy tín sản phẩm thủy sản.

Thảm họa "thủy triều đỏ" ở Bình Thuận trung tuần tháng 7.2002 tạo thành vùng thủy triều đỏ rộng khoảng hơn 40km2, làm khoảng 90% sinh vật trong vùng triều, kể cả cá, tôm trong các lồng, bè bị tiêu diệt; môi trường bị ô nhiễm nặng, mấy tháng sau mới hồi phục.

"Thủy triều đỏ" cũng đã khiến 82 người phải nhập viện do tắm biển, với các triệu chứng ngứa, phồng rộp vùng da nhạy cảm; nguyên nhân là một loài tảo xanh lam "nở hoa", tiết độc tố vào nước biển. Cần lưu ý, sự "nở hoa" của tảo xanh lam (vi khuẩn lam) còn xảy ra ở nhiều hồ chứa nước ngọt, đe dọa sức khỏe những người sử dụng nguồn nước này.

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo