Tập trung đẩy lùi tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
09:35 - 26/04/2016
(TNNN) -  Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn  tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến sâu hơn trong thời gian này do lượng nước chảy về sông Mê Kong không tăng lên.

Tình hình xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng ảnh minh họa


Hiện nay, theo thống kê đã có 160.000ha lúa bị thiệt hại, với sản lượng đạt 5 tấn/ha ước tính 800.000 tấn lúa bị mất trắng. Với mỗi gia đình có diện tích sản xuất khoảng 0,5ha, thì xâm nhập mặn đã làm khoảng 300.000 hộ gia đình những tháng qua không có thu nhập.



 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng cho biết, hiện nay, lúa đang ở vụ Đông Xuân, thời gian tới một số diện tích nữa sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến, sẽ thu hoạch lúa Đông Xuân, sau thu hoạch sẽ gieo giống cho vụ Hè Thu, tuy nhiên, do thiếu nước ngọt nên không thể thực hiện được theo đúng thời vụ. Với việc lùi lại thời vụ, với thời tiết không thích hợp dẫn đến năng suất thấp, nguy cơ sản lượng lúa bị giảm nghiêm trọng.
 


Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, không chỉ lúa, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ăn quả, đồng thời đàn gia súc nhiều nơi không có thức ăn; nuôi trồng thủy sản với độ mặn cao dẫn đến tôm nuôi khó phát triển. Về các giải pháp để ứng phó trước mắt với tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo cần hướng dẫn người dân điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển từ giống cây trồng cần nhiều nước sang giống cây cần ít nước.



Đồng thời, hướng dẫn người dân có thể chuyển sang chăn nuôi hoặc làm các nghề phi nông nghiệp nhằm đảm bảo thu nhập. Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có chỗ làm hồ chứa nên cần làm các cống ở cửa sông, dọc dòng sông, biến các con kênh thành hồ chứa nước ngọt. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngăn mặn và trữ nước ngọt.
 



Trước hết, xem xét chuyển đổi những diện tích lúa ven biển không hiệu quả, thường xuyên bị mặn uy hiếp, sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn lớn và ảnh hưởng đến các vùng trồng lúa khác, cần có quy hoạch và tính toán kỹ. Hoàn thiện hệ thống đê biển và cống kiểm soát mặn khép kín ở từng khu vực canh tác ổn định là cần thiết.



Tăng khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển bằng kênh dẫn và cống lấy nước từ các nguồn ngọt ổn định. Xem xét tỷ lệ diện tích sản xuất vụ Thu-Đông và Hè-Thu ở vùng ngập lũ ở mức hợp lý nhằm tăng khả năng trữ nước trong vùng ngập lũ. Diện tích này được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản mùa lũ.Giảm diện tích lúa Đông-Xuân muộn và Hè-Thu sớm nhằm tránh sử dụng nhiều nước vào thời gian kiệt nhất trong năm, đặc biệt từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, chuyển sang trồng màu.




Để cấp nước sinh hoạt cho các vùng ven biển, dịch chuyển các điểm lấy nước trên sông, rạch có nguy cơ bị mặn lên các vùng có nguồn ngọt ổn định. Về lâu dài, cần xem xét các giải pháp công trình quy mô lớn ở vùng cửa sông nhằm chủ động trữ và giữ nước ngọt với khối lượng lớn trong mùa khô ở cấp vùng và liên vùng. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài nhằm ứng phó hiệu quả nhất đối với sự mất ổn định của dòng chảy từ thượng lưu và gia tăng của nước biển dâng.
 


Về lâu dài cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và có tầm nhìn dài hạn trong quản lý hiệu quả tài nguyên nước. Các chuyên gia cho rằng, El Nino 2014-2016 sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua, kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO. Tại Việt Nam, cường độ của El Nino hiện nay được đánh giá là tương đương với 1997-1998.
 

Hoàng Chi
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo