Làn sóng rót vốn vào nông nghiệp: Cuộc chơi vẫn tiếp diễn
17:06 - 08/03/2016
Vẫn tiếp tục các dòng vốn, luồng tiền đổ vào nông nghiệp. Đặc biệt chủ trương cổ phần hóa các tổng công ty nông nghiệp thời gian qua đã trở thành cơ hội có một không hai cho các nhà đầu tư có mơ ước làm nông nghiệp rót vốn vào ngành này.
Nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Tháp

Cuộc họp báo do ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức trước Tết Nguyên đán vừa qua có một điều lạ kỳ.

Lạ kỳ ở chỗ, lâu nay vốn vẫn được báo chí và giới tài chính đặt cho biệt danh "ông trùm chứng khoán", lẽ ra với cơ hội hiếm khi được gặp trực tiếp ông Nguyễn Duy Hưng, các nhà báo sẽ tìm mọi cách khai thác các thông tin về thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, nhất là trong lúc chứng khoán Trung Quốc lao dốc đỏ lòe thì giới truyền thông lại tập trung khai thác ông Hưng ở mảng nông nghiệp.

Những câu hỏi dồn dập. Những cái mồm há hốc chờ đợi ông trùm tài chính bàn chuyện... làm nông. Báo chí háo hức. Và vị "diễn giả" cũng háo hức không kém khi nói về một ngành mới mẻ mà ông với tay sang chưa bao lâu. Ông Hưng trả lời trôi chảy, say sưa như một chuyên gia nông nghiệp thực thụ, như nông nghiệp đã ngấm vào máu ông từ lâu lắm.

Đang nắm trong tay những công ty giống cây trồng sinh lời tốt nhất Việt Nam, ông Hưng có lẽ là người đã và đang đặt nhiều tin tưởng nhất vào ngành nông nghiệp.

Sau khi mua Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Giống cây trồng Miền Nam, Thủy sản Bến Tre, Điều Long An,... ông Hưng tiếp tục làm dày thêm danh mục các công ty nông nghiệp mà ông ném tiền vào như phân lân nung chảy Văn Điển, DABACO Việt Nam... Và chưa biết khi nào ông dừng.

Ở phía Nam, các đại gia thức ăn chăn nuôi, SX heo giống cũng đang ngó nghiêng từng đường đi nước bước của ông Dương Ngọc Minh, người sở hữu Công ty Thủy sản Hùng Vương. Lâu nay, ông Minh được giới XNK cá tra trong và ngoài nước biết đến như một ông trùm cá tra. Hùng Vương gần như thống lĩnh thị trường cá tra Việt Nam đưa vào Nga. Giờ bất ngờ ông Minh nhảy sang mảng chăn nuôi.

nongnghiep1191813198
Nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao vẫn là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn nhà đầu tư

Nông nghiệp không phải không sinh lời mà chậm sinh lời, nông nghiệp không phải không hấp dẫn mà chính ngành nông nghiệp không làm cho mình hấp dẫn trong mắt xã hội, nông nghiệp chưa cất cánh vì thiếu rất nhiều thứ: chính sách đúng, vốn, chất xám, máy móc... và cả sự quyết tâm. Những luồng vốn vào nông nghiệp thời gian qua đã phần nào khỏa lấp một phần những thiếu thốn đó.

Nhưng nói bất ngờ chỉ với người không biết, còn những ai đã từng quen biết ông Minh đều hiểu rằng từ trước đấy rất lâu Hùng Vương đã mua gần hết Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, một thương hiệu thức ăn chăn nuôi khá nổi tiếng ở ĐBSCL.

Đưa Việt Thắng từ mức sản lượng bán ra tầm tầm lên một thương hiệu, chứng tỏ ông Minh không lạ lẫm gì với ngành thức ăn chăn nuôi với sản lượng gần 20 triệu tấn mỗi năm của Việt Nam. Xác định thấy dư địa còn rộng, miếng bánh ngành này còn thơm tho nên Hùng Vương đặt ra một kế hoạch táo bạo khi rót tiền tỷ vào SX thức ăn và heo giống.

Theo đó, công ty sẽ xây dựng ít nhất 4 nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhiều trại heo cụ kỵ ông bà với công suất khủng nhất từ trước đến nay tại miền Trung, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Tổng vốn đầu tư trước mắt và lâu dài lên tới 2.000 tỷ đồng.

Quả là một cơn địa chấn. Chỉ cần nghe thông tin sốt dẻo này lập tức hàng loạt công ty cung ứng máy móc chế biến thức ăn gia súc (PEJA, Van Aarsen của Hà Lan; Skiol, Vissing Agro của Đan Mạch), các công ty cung cấp heo giống nổi tiếng toàn cầu như DanBred (Đan Mạch), Genesus (Canada)... đã bay cả nửa vòng trái đất tìm đến Hùng Vương với mục đích... bán hàng.

Thậm chí dự án của Hùng Vương còn được đích thân một Bộ trưởng trong Chính phủ Đan Mạch sang Việt Nam tìm hiểu, hậu thuẫn cho doanh nghiệp nước này có thể thắng thầu.

Ở phía Bắc, trước chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các tổng công ty nông nghiệp, các nhà đầu tư vốn trước nay chỉ làm bảo hiểm, chứng khoán, địa ốc cũng tìm cách nhảy vào nông nghiệp. Gần đây sự kiện đấu giá mảnh đất vàng mà trên đó đang tọa lạc một khách sạn cũng có thương hiệu... vàng mang tên Kim Liên với nguồn tiền nhà nước thu về ngót nghét 1.000 tỷ đồng khiến ai cũng giật mình.

Nhưng cách đó đôi trăm mét, ngay cạnh cầu Trung Tự (Quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng có một mảnh đất khá đẹp, không vàng thì cũng là đất... bạc. Đó là trụ sở của TCty Rau quả, Nông sản việt Nam (Vegetexco).

Sáng ngày 4/9/2015 đã diễn ra phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Vegetexco với vốn điều lệ 731 tỷ đồng. Phiên đấu giá đã diễn ra thành công với 100% cổ phần được bán. Đã có 6 nhà đầu tư tham gia đấu giá với tổng khối lượng đăng ký mua xấp xỉ 31,25 triệu cổ phần, trong khi số lượng cổ phần đưa ra đấu giá chỉ là 27,67 triệu cổ phần.

Mức giá đấu thành công bình quân đạt 10.052 đồng/cổ phần, tăng 1 đồng so với mức giá khởi điểm đặt ra. Tổng giá trị cổ phần bán được trong phiên đấu giá tương ứng 278,13 tỷ đồng.

Sau phiên IPO, Vegetexco sẽ bán tiếp cổ phần cho cổ đông chiến lược. Trong đó, 2 công ty do Chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển (dân bóng đá vẫn quen gọi ông là "bầu Hiển") làm chủ tịch là T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) sẽ trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 50%. Một công ty ít nhiều liên quan đến BSH là Art Export cũng mua 10% cổ phần.

Lâu nay, "bầu Hiển" thể hiện mong muốn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cảng Quảng Ninh, sân bay Phú Quốc, ga Hà Nội, …

Trong khi các thương vụ trên đều không có thông tin cụ thể thì bầu Hiển đã “âm thầm” chốt xong việc trở thành cổ đông chiến lược của Vegetexco. Theo đó, T&T Group, BSH cùng Art Export năm tới 60% cổ phần. Với mức giá tối thiểu là 10.051 đồng/cổ phần thì 3 công ty sẽ phải bỏ ra ít nhất là 430 tỷ.

Với vai trò cổ đông chiến lược, T&T và BSH được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho hoạt động kinh doanh chính của Vegetexco là giống, rau, thực phẩm, hoa.

Trong xu hướng các tập đoàn tư nhân đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tư vào Vegetexco có thể giúp bầu Hiển thâm nhập vào lĩnh vực giàu tiềm năng này. Bên cạnh đó, với thế mạnh về tài chính, bất động sản của bầu Hiển, Vegetexco có thể sẽ không đơn thuần là một doanh nghiệp kinh doanh nông sản nữa.

Nhưng dù đi theo hướng nào thì chắc chắn cái tên "bầu Hiển' vốn đã quá nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng (SHB), bóng đá (T&T)... thì giờ đây nhắc đến những đại gia nông nghiệp không thể không nhắc đến ông.

Nhiều người hy vọng với tài thao lược của con người này, Vegetexco vốn từng là một thương hiệu XK ngành hàng rau quả nổi tiếng đi Liên Xô, Đông Âu... nhưng trải qua một thời gian dài không "bật dậy" được trong vỏ bọc Nhà nước sẽ cất cánh trở lại.  

Chưa hết, công cuộc dấn thân vào ngành nông nghiệp của ông chủ nhà băng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo những thông tin chúng tôi có được thì sau khi "tóm gọn" Vegetexco, họp đại hội cổ đông bầu ra ban lãnh đạo mới, "bầu Hiển" đã giao cho Vegetexco tham gia đấu giá TCty Vật tư nông nghiệp (VIGECAM) trong đợt IPO tới đây.

ĐS
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo