Gặp những người dám "cướp cơm của Hà Bá"
18:55 - 07/03/2016
Từ xa xưa, hầu hết ngư dân Việt Nam có quan niệm cứu người bị nạn giữa biển bởi là “cướp cơm của Hà Bá”, sẽ gặp tai ương. Vậy mà ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nhiều ngư dân là hội viên Hội Nông dân đã bỏ qua quan niệm ấy, cứu người thoát chết giữa sóng gió biển khơi.

Cứu người là hạnh phúc

Chúng tôi tìm gặp ngư dân Bùi Xuân Tấn khi hay tin ông vừa cứu sống 3 ngư dân không may bị chìm tàu. Nở nụ cười đón khách lạ nhưng khuôn mặt ông Tấn không mấy vui. Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, ông Tấn thở dài: “Con tàu của ông Hùng vừa mới mua ở Bình Định 700 triệu đồng, đang trên đường đưa tàu về quê thì bị sóng đánh chìm. Chưa đi được chuyến biển nào đã gặp xui, giờ ông ấy phải về nhà vay mượn đủ 200 triệu đồng đem vào đây thuê người trục vớt”.

Ngư dân Bùi Đình Huệ trên con tàu thân thương của mình. Ảnh Ngọc Vũ

 

Họ gặp nạn, mình không giúp được thì thôi chứ lấy tiền của họ làm gì. Sống cần lấy cái tình làm trọng”.

Ngư dân Bùi Xuân Tấn

 

Cái vận xui ấy xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 29.2, khi con tàu của ông Lê Văn Hùng, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đi ngang qua vùng biển Quảng Trị thì bị sóng to đánh mạnh, nước tràn vào mũi thuyền khiến tàu chìm.

May thay, trước khi con tàu chìm hẳn, ông Hùng đã kịp phát tín hiệu cầu cứu rồi xuống thúng chai lênh đênh giữa những cơn sóng dữ. Cũng vào thời điểm ấy, ông Tấn cùng 7 thuyền viên đang đánh bắt trên con tàu QT 9119 TS, cách tàu gặp nạn khoảng 15 hải lý theo hướng nam.
 

Đang say sưa kéo lưới, ông Hùng nhận được thông báo từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị về tọa độ tàu chìm. Không mảy may suy nghĩ, ông Tấn hướng mũi tàu đến tọa độ tàu chìm. Nhưng khi đến nơi anh em trên tàu, đặc biệt là ông Tấn thực sự hoang mang vì không thấy nạn nhân đâu.

Với kinh nghiệm của người đã kinh qua trên 30 năm đi biển, ông Tấn lao tàu theo dòng nước, chạy thêm 15 hải lý nữa thì bất ngờ tìm thấy sự sống. Ba con người đáng thương ướt nhẹm, ngồi co rúm, run bần bật trên chiếc thúng chai nhỏ bé. Công tác cứu hộ được gấp rút triển khai, 3 thuyền viên được cứu sống, chăm sóc và đưa vào bờ. Ngay sau đó, 3 thuyền viên gặp nạn đã đến nhà ông Tấn với mong muốn được trả ơn nhưng ông Tấn từ chối, không nhận một đồng nào.
 

Vượt qua lời nguyền của biển

Ở khu phố 5, anh Bùi Đình Huệ cũng được nhắc đến với một lòng mến phục. Bởi lẽ, anh Huệ đã viết nên câu chuyện cổ tích, dám “cướp cơm của Hà Bá”. Anh Huệ nhớ lại, khoảng 7 giờ sáng ngày 20.12.2014, chiếc tàu QT 90099 TS của anh đang đánh bắt cá cách đảo Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) khoảng 40 hải lý thì nhận được tín hiệu kêu cứu của tàu ĐNg 90399 TS cách đó 9 hải lý. Ngay lập tức, anh Huệ lái tàu tăng tốc, trực chỉ đến nơi tàu Đà Nẵng phát tín hiệu kêu cứu.
 

Nhưng, sự hoang mang cũng đến với anh cùng 7 thuyền viên trên tàu khi đã căng mắt nhìn khắp nơi mà chẳng thấy gì. “Họ đã chết hết rồi sao. Không thể như vậy được” – những suy nghĩ ấy liên tục xuất hiện trong đầu anh Huệ. Với hy vọng cứu người, anh Huệ tiếp tục lao tàu theo hướng gió thêm 7 hải lý nữa thì bỗng có tiếng một thuyền viên ngồi trên nóc cabin reo lên: “Thấy rồi, thấy rồi. Họ còn sống”. Lúc cứu hộ, vì sóng to  nên tàu anh Huệ bị va vào tàu gặp nạn, mạn thuyền hỏng, phải sửa hết 9 triệu đồng. Gia đình nạn nhân ngỏ ý muốn đền bù, cảm ơn nhưng anh Huệ tuyệt nhiên từ chối.

Ngọc Vũ
Nguồn: Theo Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo