Quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DN theo hướng cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn ngoài ngành đối với các công ty nông, lâm nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước đang diễn ra rất chậm.
Đó là đánh giá của Bộ NN&PTNT tại hội nghị sơ kết tình hình tái cơ cấu DN Nhà nước 6 tháng đầu năm 2015 tổ chức vừa qua.
Không hấp dẫn nhà đầu tư
DN hiện đang giữ tổng vốn Nhà nước lớn nhất hiện nay trong ngành nông nghiệp là Tập đoàn Cao su Việt Nam với hơn 3.700 tỷ đồng cần thoái vốn, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như ngân hàng, thủy điện... Tuy nhiên, tính đến 30/6/2015, DN này mới thoái được hơn 1.100 tỷ đồng. Như vậy theo lộ trình, từ nay đến cuối năm, DN phải thoái vốn nốt hơn 2.500 tỷ đồng. Ông Trần Thoại - Phó Tổng giám đốc cho biết, khả năng chỉ thoái vốn được khoảng 1.700 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án thủy điện, còn lại là rất khó thoái, rơi vào một số giao dịch có giá quá thấp.
Không chỉ cao su, các DN trong lĩnh vực lâm nghiệp và cà phê, chè cũng đang gặp rất nhiều khó khăn từ việc thoái vốn các dự án đầu tư ngoài ngành. Đại diện Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chia sẻ, theo kế hoạch, Tổng Công ty sẽ CPH 2 DN và thoái vốn tại 6 DN trong quý III và IV/2015. Điều đáng nói, các công ty đều có số vốn rất nhỏ, chỉ khoảng 40 tỷ đồng, song không có nhà đầu tư đặt mua. "Đến nay, chúng tôi đã thực hiện các quy định từ xác định giá trị DN, công bố chào bán nhưng không có nhà đầu tư tham gia" - Phó Tổng giám đốc Lê Thế Chỉ giãi bày. Còn tại Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, cho đến nay cũng mới thực hiện thoái vốn được 50% kế hoạch.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tập trung đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các DN Nhà nước theo hướng CPH và thoái vốn ngoài ngành. Trong năm 2014, Bộ NN&PTNT đã CPH 9 công ty, tổng công ty và tiếp tục đẩy mạnh CPH các DN đã được phê duyệt chủ trương như Tổng công ty Rau quả Việt Nam, Tổng Công ty Chè Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam... Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với các DN nông, lâm nghiệp còn khá chậm trễ. Mặc dù chỉ tiêu của Bộ NN&PTNT đặt ra là thoái vốn 3.274 tỷ đồng (các DN đăng ký lên 5.026 tỷ đồng) nhưng đến tháng 6/2015 mới thoái vốn được 52% so với chỉ tiêu và 34% so với kế hoạch thực tế.
Đẩy nhanh tiến trình
CPH, thoái vốn các DN Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện Nghị định 118/2014 ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thoái vốn chậm của các DN hiện nay đang trở thành một bài toán lớn với ngành nông nghiệp. Theo ông Đỗ Văn Nam - Vụ trưởng Vụ quản lý DN (Bộ NN&PTNT), để đẩy nhanh quá trình thoái vốn, phải thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng tham gia quản trị DN gắn với đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả của DN. Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ thực hiện thoái vốn tại những DN làm ăn thua lỗ, sắp phá sản, đảm bảo an toàn vốn đã đầu tư.
Liên quan đến thoái vốn của DN Nhà nước, tháng 6 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP, trong đó cho phép về nguyên tắc bán thoái vốn theo lô và bán cho người lao động. Cụ thể, lô cổ phần là bao nhiêu thì bán đấu giá công khai và có thể tối đa số lượng bán cho người lao động tại DN. Còn nếu người lao động cam kết sẽ cùng làm việc với DN đó lâu dài sau khi CPH thì có thể bán trực tiếp cho người lao động. Đây là điểm rất mới của Chính phủ nhằm giúp cho DN tháo gỡ khó khăn trong việc thoái vốn, đảm bảo tiến độ tái cơ cấu DN Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, chủ trương sắp xếp, CPH và thoái vốn ngoài ngành đối với các DN nông nghiệp là nhiệm vụ không thể trì hoãn, cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Theo ông Phát, giá trị vốn các DN Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải thoái trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn. Do đó, các DN cần quyết liệt thực hiện các phương án tái cơ cấu DN Nhà nước đã được phê duyệt. Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiến trình CPH DN Nhà nước, nhất là hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN...