Vượt qua những bất lợi về thời tiết, sản xuất vụ Xuân 2015 tại tỉnh Thái Bình thu được nhiều kết quả khả quan. Năng suất lúa ước đạt 70 tạ/ha - dẫn đầu các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, sản xuất rau màu mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đây thực sự là những “mùa vàng” cho quê hương “năm tấn” Thái Bình.
* Vụ mùa thắng lợi
Tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân 2015 tại Thái Bình là hơn 93.400 ha; trong đó, sản xuất lúa chiếm hơn 85% tổng diện tích. Cơ cấu lúa gieo trồng chủ yếu là giống ngắn ngày với trên 75.700 ha, diện tích lúa dài ngày gần 3.970 ha. Vụ Xuân 2015, địa phương phát triển theo hướng tập trung vào các giống lúa chất lượng cao chiếm 24.700 ha, lúa BC15 chiếm 21.517 ha và lúa lai chiếm 15.167 ha. Năng suất lúa vụ Xuân 2015 của toàn tỉnh ước đạt 70 tạ/ha – cao so với năng suất chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng trung bình khoảng 65,1 tạ/ha.
Xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải có khoảng 300 ha diện tích đất nông nghiệp. Trước đây, sản xuất lúa ở Tây Tiến gặp nhiều khó khăn bởi đây là địa phương thuộc vùng úng trũng nhất của huyện, nông dân chủ yếu gieo trồng giống lúa dài ngày, hiệu quả không cao. Tuy nhiên những năm gần đây, xã phát triển theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ dài ngày sang ngắn ngày, tập trung vào giống lúa chất lượng cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt.
Ông Phạm Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Tây Tiến cho biết, ban đầu nông dân trong xã không “mặn mà” với việc gieo trồng bằng lúa chất lượng cao vì năng suất thấp hơn với các giống lúa thông thường khác, trung bình đạt 2 tạ/sào. Tuy nhiên, đây lại là những giống lúa có khả năng chịu bệnh tốt và giá trị kinh tế cao hơn từ 1,2- 1,5 lần so với lúa thường. Vì vậy, thu nhập của nông dân cải thiện rõ rệt. Theo đó, diện tích giống lúa chất lượng cao tại Tây Tiến dần được mở rộng. Vụ Xuân năm 2015, toàn xã gieo cấy trên 50% diện tích giống lúa chất lượng cao, chủ yếu là các giống BC15, TBR36…
Không chỉ “được mùa” lúa, sản xuất rau màu tại Thái Bình cũng mang lại “mùa vàng” cho nông dân. Diện tích cây màu vụ Xuân 2015 đạt trên 13.690 ha (tăng 370 ha so với vụ Xuân 2014), chủ yếu là diện tích rau với gần 6.000 ha, ngô 2.318 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 12.000 ha, nhiều cánh đồng sản xuất rau màu giá trị đạt từ 93 triệu đồng đến trên 211 triệu đồng/ha/vụ canh tác, cải thiện rõ rệt đời sống của người dân.
Vụ Xuân 2015, tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng ngắn ngày khác như ngô, rau dưa, mướp đắng với diện tích hơn 494 ha. Với sự chuyển đổi này, địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình với công thức luân canh 4 vụ mang lại hiệu quả cao như: mô hình trồng ngô ngọt tại xã Điệp Nông, xã Dân Chủ (huyện Hưng Hà) và xã Quỳnh Hoàng, xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ); mô hình trồng mướp đắng, khoai tây và dưa gang tại huyện Thái Thụy….
Đặc biệt, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ 82 xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng số tiền 21 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã triển khai 84 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 4.750 ha, tăng 1.055 ha so với vụ Xuân 2014. Để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, các Hợp tác xã nông nghiệp đã ký kết với các doanh nghiệp ngay từ đầu vụ. 10 doanh nghiệp là cầu nối tiêu thụ sản phẩm của nông dân tại 54 cánh đồng mẫu với 3.355 ha.
* Chính sách kịp thời, sản xuất hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, vụ Xuân 2015 là vụ xuân ấm điển hình, thời tiết ít mưa, sâu bệnh dễ phát sinh và gây hại sớm từ giai đoạn mạ. Trong vụ nhiều giống lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn với diện tích lớn. Ngay từ đầu tháng 11/2014, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh và sớm triển khai các giải pháp ứng phó với điều kiện thời tiết vụ Xuân ấm; trong đó, chỉ đạo quyết liệt các địa phương gieo trồng 100% diện tích lúa Xuân trà muộn bằng các giống ngắn ngày, không cấy lúa dài ngày trà sớm . Trường hợp nông dân vẫn gieo cấy giống lúa dài ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nông dân bỏ diện tích mạ đã gieo cấy, tránh thiệt hại khi thời tiết bất lợi.
Với chủ trương chung của ngành nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành trồng trọt, tỉnh Thái Bình đã tập trung phát triển vụ Đông cả về diện tích và năng suất, đặc biệt là cây vụ Đông trên đất lúa, coi đây là một mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; trong đó, tỉnh hỗ trợ 50% giá giống khoai tây nguyên chủng nhập từ nước ngoài 14 triệu đồng/ha. Trong vụ Mùa và vụ Đông năm nay, bên cạnh việc tiếp tục các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ thuốc trừ cỏ trên diện tích lúa gieo thẳng, tỉnh Thái Bình bổ sung nhiều chính sách mới; trong đó hướng vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển cây vụ Đông. Tỉnh sẽ hỗ trợ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô từ 3 ha trở lên mức 1 triệu đồng/ha; các huyện, thành phố duy trì diện tích cây vụ Đông 2015 bằng diện tích vụ Đông 2014 sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/ha, phần diện tích tăng lên hỗ trợ 600.000 đồng/ha.
Ngoài ra, các địa phương có những chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích hộ nông dân, các thành phần kinh tế mở rộng diện tích cây vụ Đông. Tỉnh Thái Bình phấn đấu đạt kế hoạch sản xuất vụ Mùa 81.000 ha và vụ Đông 36.000 ha trở lên, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân./.