Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất thức ăn ở Việt Nam lại phụ thuộc vào thị trường nước ngoài khi có gần 90% phải nhập khẩu. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi ở trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10 đến 15% đã đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi cao hơn các nước khác. Điều này tạo nên nghịch lý thịt ngoại đang được người tiêu dùng trong nước lựa chọn thay cho thịt nội.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tới 40-50% tổng sản lượng chăn nuôi của cả nước, trong đó có những lĩnh vực tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 60% như trâu, bò. Cả nước hiện chỉ có khoảng 23.000 trang trại đạt doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên, ít hơn nhiều so với các nước.
Năm qua được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh.
Như vậy, dù có lịch sử phát triển lâu đời nhưng cho đến nay, ngành chăn nuôi vẫn chủ yếu ở hình thái quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Điều này cũng là trở ngại lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ việc chăm sóc, giết mổ…
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì khó khăn lớn của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định.
Hiện nay, đa số người chăn nuôi vẫn phải qua khâu trung gian để bán sản phẩm của mình ra thị trường. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, thậm chí có những lúc thua lỗ, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, tăng đàn, dẫn tới giá cả chăn nuôi biến động. Đến nay, mô hình liên kết chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn mới bước đầu hình thành tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Nguyễn Xuân Dương cho hay trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, chi phí đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lại ngày càng tăng. Bên cạnh đó chi phí thú y của chăn nuôi nước ta còn cao, hiện chiếm khoảng 5 - 10% chi phí sản xuất. Khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu. Ước tính mỗi năm, chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với trị giá trên dưới 3 tỷ USD, chủ yếu từ các nước Argentina, Mỹ, Ấn Độ, Brazil… Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90%, còn khoáng chất, vitamin nhập khẩu hoàn toàn.
Về thuốc thú y, mỗi năm nước ta cũng phải nhập một lượng lớn để phục vụ chăn nuôi trong nước, nhất là vaccine. Theo số liệu của Liên minh Nông nghiệp – mạng lưới các chuyên gia và tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, hiện nay 80% loại vaccine được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới.
Chính vì phụ thuộc nhiều vào vật tư đầu vào, chi phí giá thành sản xuất chăn nuôi khá lớn nên sức cạnh tranh của ngành rất kém. Giá thành sản xuất được coi là điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay.
TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại ba yếu điểm cần khắc phục đó là phát triển không bền vững về năng suất, giá cả; chất lượng một số giống vật nuôi thấp. Đơn cử, chỉ tiêu sinh sản của lợn giống nước ngoài là khoảng 25 - 26 con/lứa nhưng ở Việt Nam mới chỉ đạt 17 - 20 con/lứa; hình thức tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao.
Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT phê duyệt cho thấy những chuyển biến tích cực. Vì vậy, khắc phục điểm yếu và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong hội nhập.
Đề án ra đời đã có tác động ngay vào việc sản xuất chăn nuôi. Việc tái cơ cấu đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cho ngành chăn nuôi, thể hiện ở số lượng, sản lượng vật nuôi đều tăng và việc áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi đang được quan tâm. Động thái tích cực này cũng là tín hiệu cho thấy tái cơ cấu ngành đang đi đúng hướng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,47 triệu tấn tăng 2,7%. Trứng và sữa tươi tăng lần lượt là 3,8% và 15,6%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 14,7 triệu tấn…
Bộ tích cực phối hợp các địa phương đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, sớm kiểm soát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh; tăng cường quản lý vật tư chăn nuôi thú y; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.
Trong năm nay, ngành đặt mục tiêu từng bước tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường; đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng xã hội, xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng.
Theo đó, tốc độ tăng GTSX khoảng 2,8-3,2%; tỷ trọng chăn nuôi trong tổng GTSX nông nghiệp (thuần) từ 26-27%; sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 4,6 triệu tấn; sản lượng trứng xấp xỉ 9 tỷ quả; sữa tươi 590 ngàn tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp 15,6 triệu tấn.
Bộ NN&PTNT cũng định hướng ngành chăn nuôi cần triển khai mạnh các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Khuyến khích chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (vùng đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (vùng trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là gà lông màu và vịt đẻ trứng), tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn và gia súc lớn…
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi là đòi hỏi cấp thiết, cần sớm có những giải pháp thiết thực. Đó vừa là phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, song cũng vừa duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; tổ chức ngành theo hướng gắn sản xuất với hệ thống giết mổ, phân phối thực phẩm để người chăn nuôi tiếp cận được gần nhất với người tiêu dùng.
Để làm được điều này, cần ưu tiên nâng cao chất lượng con giống khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn, tạo và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới để có bộ giống tốt. Xây dựng liên kết theo chuỗi để giảm chi phí cho người chăn nuôi. Nhà nước cũng cần tăng tính dự báo về cung, cầu thực phẩm trong và ngoài nước, giúp người chăn nuôi có định hướng trong đầu tư, xác định quy mô chăn nuôi và phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm làm ra. Từ đó, gắn kết các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi chăn nuôi bền vững, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm và ổn định thị trường.
Vĩnh Hà