Sớm đưa ngành mía - đường vào quỹ đạo
06:57 - 26/05/2015
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ngành mía đường sẽ chịu nhiều áp lực khi “chiếc áo” bảo hộ phải gỡ bỏ theo lộ trình cam kết. Sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các doanh nghiệp với nhau đang tạo ra những “lỗ hổng” khó lấp đầy.
 

Hết trồng lại... chặt

Tây Ninh là một trong những tỉnh có diện tích mía và sắn tương đối lớn. Nhưng thời điểm này, cây sắn đang có vẻ thắng thế khi diện tích đang ngày càng “bành trướng”, trong khi cây mía đang ngày một co cụm. Ngay từ đầu năm 2015, người dân nơi đây đã ồ ạt chặt mía để trồng sắn do mía bị sâu bệnh, giá thu mua của nhà máy bấp bênh dẫn đến thua lỗ. Đơn cử như ở xã Thành Long (huyện Châu Thành), tính đến đầu năm 2015, diện tích mía đã giảm đến 400ha, chỉ còn 1.600ha, trong khi diện tích sắn lại tăng chóng mặt, từ 1.200ha lên 1.500ha. Thậm chí, ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), cây sắn còn thắng thế hoàn toàn khi diện tích mía ở đây chỉ còn 150ha so với con số 1.400ha trước đó, còn cây sắn đã mở rộng lên 2.200ha.

Lý giải cho sự bi đát của cây mía, nhiều nông dân cho rằng, mía bị sâu bệnh, năng suất giảm chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khiến bà con quay lưng với loại cây trồng vốn đã gắn bó từ lâu, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do nhà máy thu mua với giá quá thấp, lại trừ tiền vào chữ đường nên thu nhập chẳng còn đáng kể. Điều đáng nói là, tình trạng này đã tồn tại trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh, diện tích mía của tỉnh liên tục giảm trong những năm gần đây. Niên vụ 2014 - 2015, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 21.000ha mía, giảm 4.000ha so niên vụ 2013-2014, trong đó Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công giảm 1.000ha, Công ty CP Đường Biên Hòa - Tây Ninh giảm 600ha... Hiện, các công ty mía đường ở Tây Ninh có tổng công suất thiết kế chế biến gần 13.000 tấn mía/ngày, tương ứng với trên 2 triệu tấn mía/vụ. Với diện tích mía của tỉnh hiện nay, cố gắng lắm cũng chỉ đáp ứng 1,5 triệu tấn mía cây, còn thiếu 500.000 tấn mía phục vụ chế biến đường.

Ông Nguyễn Quang Hợp ở xã Ninh Điền (Châu Thành - Tây Ninh) nêu một thực tế có phần cay đắng: Nông dân trồng mía đang “chết mòn” vì chính sách của các nhà máy. “Chính sách của nhà máy đang khiến nông dân chết dần chết mòn. Có nơi diện tích cây mía giảm 40%, nông dân đang quay lưng với mía. Nhà máy nên quan tâm, phân chia lợi nhuận cho nông dân thì mới mong vực dậy ngành này, mới mong có đủ sức mạnh để cạnh tranh với đường Thái Lan, Campuchia”, ông Hợp nói.

Không chết vì bảo hộ, chết vì chính sách

Đó là khẳng định của ông Đỗ Thanh Liêm, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Theo ông Liêm, ngành đường không sống nhờ bảo hộ, cũng không sợ “chiếc áo” bảo hộ bị gỡ bỏ mà sợ chính sách xuất - nhập khẩu làm cho khốn đốn. “Có những năm, đường sản xuất dư thừa, xin Bộ Công Thương xuất khẩu tiểu ngạch giải quyết tồn kho cho doanh nghiệp, bộ này không cho. Bộ Công Thương còn bảo để đường cho các nhà sản xuất trong nước. Cuối cùng bị lỗ. Nhưng bên cạnh đó, Bộ Công Thương lại cấp giấy phép tạm nhập tái xuất mấy chục ngàn tấn. Những cái đó, làm suy kiệt nông dân trồng mía”, ông Liêm nêu một thực tế.

Cũng theo ông Liêm, chính sách phân chia lợi nhuận cho nông dân chưa rõ ràng là một trong những nguyên nhân khiến ngành mía đường trở nên tan tác, mạnh ai nấy làm. “Chúng ta có ăn cắp của nông dân vì chữ đường không? Vì sao nông dân không còn hứng thú”, ông Liêm nêu câu hỏi, đồng thời đề nghị cần có một nghị định để phân chia lợi nhuận rõ ràng với nông dân và “dẹp loạn trong ngành. “Cuộc chơi này nếu không chỉnh đốn lại, một số nhà máy đường sẽ teo tóp”, ông Liêm nói.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân quan trọng nhất làm cho giá thành sản xuất mía nguyên liệu cao là do trình độ canh tác của nông dân còn yếu, việc áp dụng cơ giới hóa còn hạn chế. Hiện nay, các nhà máy lớn mới chiếm 1/3 tổng công suất cả nước, còn phần lớn là các nhà máy ở mức trung bình, công suất thấp, thiết bị lạc hậu. “Quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được các doanh nghiệp quan tâm để tạo nên mối quan hệ hữu cơ gắn bó. Việc xuất, nhập khẩu đường vẫn theo cơ chế xin - cho nên hạn chế sự năng động và tạo nên sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Đường lậu hoành hành với số lượng lớn nhưng không có cơ sở pháp lý thiết thực để xử lý dứt điểm”, ông Hải nói.

Trước thực trạng này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), đề nghị, Chính phủ cần phải sớm ban hành nghị định về mía đường để có cây gậy chỉ đường, đưa ngành mía đường vào quỹ đạo chứ không thể để sản xuất vô tổ chức như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, việc dỡ bỏ bảo hộ sẽ khiến các nhà máy đường bị tác động mạnh, cần có các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh. Muốn làm được điều đó phải tạo đột phá về giống, thâm canh, tổ chức lại sản xuất, khâu tưới tiêu, cơ giới hóa. Bộ trưởng yêu cầu, Cục Trồng trọt xây dựng, tổ chức chương trình nghiên cứu các giống mía mới; Tổng cục Thủy lợi xây dựng, hướng dẫn nông dân quy trình tưới hiệu quả; Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối chịu trách nhiệm về chương trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía, phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế về cánh đồng mía mẫu lớn, việc quy hoạch phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh để có thể thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo nên các cánh đồng mía lớn. Tổ chức sản xuất các sản phẩm phụ sau đường, tận dụng tối đa các phế, phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm phụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó chú ý đến hai sản phẩm phân vi sinh từ bã bùn và điện từ bã mía…

Ông Nguyễn Hải cho rằng, hiện nay, các nhà máy có trình độ công nghệ, thiết bị ở mức trung bình và lạc hậu vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà máy cần tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng các thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần lựa chọn bước đi hợp lý, chuyển đổi dần sang sản xuất đường luyện để phù hợp với thị trường. Hỗ trợ các nhà máy đường trong việc đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Đầu tư xây dựng phát triển và khai thác hệ thống thủy lợi dưới các hình thức: đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước, tranh thủ các nguồn vốn và tận dụng địa hình để xây dựng hệ thống hồ đập chứa nước, kênh mương dẫn nước đến việc tận dụng đầu tư để sử dụng nguồn nước từ giếng, ao hồ,… Xây dựng chính sách mua mía với giá hợp lý, bổ sung thêm thành phần nông dân đại diện cho người trồng mía trong Hiệp hội Mía đường Việt Nam để đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của họ.

Niên vụ 2014-2015, tổng diện tích mía cả nước đạt 305 nghìn hecta, với năng suất mía bình quân cả nước là 65,3 triệu tấn. Tổng sản lượng mía ước đạt 20 triệu tấn, tương đương niên vụ trước. Sản lượng mía được ép để chế biến đường khoảng 16 triệu tấn.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo