Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Nhiều vấn đề nóng liên quan đến quốc kế dân sinh đã được đề cập khá rõ, mạnh dạn trong các báo cáo của Quốc hội và Chính phủ.
|
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII |
SXNN gặp khó khăn
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2014 và tình hình những tháng đầu 2015 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp QH nhấn mạnh những thành quả chung đáng khích lệ. 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch được Phó Thủ tướng cập nhật trước QH và đánh giá “hoàn thành tốt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.
Đề cập đến tình hình SXNN những tháng đầu năm 2015, báo cáo cho biết: Các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1,65 triệu ha lúa. Vùng ĐBSCL cơ bản thu hoạch xong, năng suất giảm 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Diện tích gieo trồng cả năm 2015 cũng giảm 822 ha do chuyển đổi cây trồng. Sản lượng lúa cả vùng ước đạt 11 triệu tấn, giảm khoảng 100 nghìn tấn so với năm trước.
Về chăn nuôi những tháng đầu năm ổn định do dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đàn bò sữa phát triển mạnh, ngày càng mở rộng quy mô. Xu hướng chăn nuôi gia cầm theo quy mô lớn, an toàn dịch bệnh tiếp tục phát triển.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết QH đối với báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH cho hay: Qua tổng hợp nhận thấy một số ý kiến cho rằng, SXNN gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng được mùa mất giá, thách thức nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm...
“Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng KHCN, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình SX, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm” – ông Giàu khẳng định.
“Hiện nay, tình hình hạn hán đang ảnh hưởng đến SXNN và đời sống của nông dân nhất là tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tình hình đó còn kéo dài, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều hồ, đập nhỏ và vừa có mực nước xuống quá thấp. Nguồn nước chống hạn ngày càng khó khăn, diện tích cây trồng bị khô hạn và thiếu nước sinh hoạt có thể còn tăng thêm trong thời gian tới” –Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng. |
Cũng theo ông Giàu, công tác quản lý, sử dụng đất đai ở các Cty nông, lâm nghiệp quốc doanh thời gian qua chưa thực sự chuyển biến. Quá trình CPH chậm và cũng đã bộc lộ những điểm bất hợp lý. Tình trạng lấn chiếm, giao khoán sử dụng sai mục đích, đối tượng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất còn khá phổ biến. Hiệu quả SX chưa cao, đóng góp nguồn thu cho xã hội và NSNN chưa tương xứng với nguồn lực. Trách nhiệm quản lý của các Cty và chính quyền địa phương có nơi còn buông lỏng.
Đặc biệt là đời sống một bộ phận người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách còn nhiều khó khăn. Còn có chênh lệch lớn về mức sống và an sinh giữa các vùng, nhóm dân cư, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới. Kết quả giảm nghèo ở một số nơi chưa thực sự bền vững.
QH cho rằng, một số chính sách hỗ trợ SXNN, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp... triển khai chậm chạp, gây phiền hà và tác động không nhỏ đến phát triển KT-XH. Điều đó chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế. Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.
Đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, QH đề nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay, coi trọng quy hoạch, kế hoạch SX. Đồng thời hoàn thiện mô hình quản lý, SXNN. Phát triển mô hình HTX kiểu mới để nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN, chế biến sâu, tăng năng suất lao động và giảm rủi ro thị trường. Cùng với đó là đầu tư kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa XNK. Tăng cường năng lực thông quan tại các cửa khẩu giải quyết cơ bản bất cập xảy ra gần đây.
Lo lắng chủ quyền biển đảo
Báo cáo trước QH, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN cho biết, đã có 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH.
Ông Nhân cho hay, đa số các ý kiến của cử tri và nhân dân đều băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động còn thấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chậm được xử lý, khắc phục.
Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định là vấn đề mà hầu hết kỳ họp nào của QH, cử tri cũng đều kiến nghị. Tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi.
Nguyên nhân được xác định là do nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể. Việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường. Vấn đề đặt ra là cần một giải pháp căn cơ để khắc phục dứt điểm các bài toán đó.
Đặc biệt, nhân dân rất bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước những lo lắng của nhân dân cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất quán quan điểm trước QH rằng: Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống.
Khuyến khích người dân định cư lâu dài trên đảo
Đề cập các giải pháp cho những tháng còn lại trong năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển.
Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân định cư lâu dài trên các đảo và hoạt động kinh tế trên biển. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc, nghiên cứu khoa học và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo.
|