Doanh nghiệp cần tăng cường vai trò trong chuỗi giá trị ngành thực phẩm
09:17 - 15/05/2015
Ngày 14/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm 2015do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam là phải tăng cường vai trò trong dây chuyền cung ứng và chuỗi giá trị của ngành thực phẩm để vừa cung cấp nhiều sản phẩm có chất lượng vừa gia tăng giá trị xuất khẩu cho hàng nông sản - thực phẩm ra thị trường quốc tế.

Các thông tin do Bộ Công Thương cung cấp tại hội nghị cho thấy Việt Nam có nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu chiếm giữ vị thế cao trên thế giới như điều, hồ tiêu đứng thứ nhất; gạo và cà phê đứng thứ hai... Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2014 đạt hơn 30 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp nên việc ký kết được những đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài còn gặp khó khăn. Doanh thu từ xuất khẩu của doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu còn ở dạng thô, thương hiệu yếu và qua nhiều khâu trung gian. 

Đánh giá về năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành thực phẩm Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, những thách thức đối với Việt Nam là vẫn tồn tại tình trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún, chi phí giao dịch cao, kiểm soát chất lượng còn yếu và thiếu biện pháp khuyến khích đầu tư tăng năng suất. Trong khi đó, thị trường quốc tế ngày càng được tự do hóa và kết nối tốt hơn sẽ tạo ra sự cạnh tranh từ những nước khác có chi phí thấp hơn. Ngoài ra, các vấn đề về biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường sinh thái... cũng là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu hàng nông sản - thực phẩm. 

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đồng thời có giải pháp thiết thực để gia tăng giá trị xuất khẩu hàng nông sản - thực phẩm Việt Nam. Việt Nam phải đẩy mạnh quản lý chất lượng con giống, hiệu quả trong khâu sản xuất - nuôi trồng - chế biến thành phẩm, khâu phân phối để mang lại những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cần được thực hiện nghiêm túc trong toàn chuỗi cung ứng để tạo nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu và uy tín sản phẩm nông sản - thực phẩm quốc gia. 

Riêng đối với vấn đề gia tăng giá trị hàng nông - lâm - thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch, theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đơn vị này đang tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm gia tăng giá trị cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại. Cụ thể đến năm 2020, giá trị gia tăng của các ngành hàng nông - lâm - thủy sản sẽ tăng bình quân 20% và tổn thất sau thu hoạch giảm 50% so với hiện nay./.

Nguồn: Theo TTXVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo