Quảng Ninh: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của nền nông nghiệp cả nước, nông nghiệp Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng kể. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ổn định bình quân 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2014 đạt 53,5%, là mức cao so với các tỉnh thành trong cả nước.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tỷ trọng (GDP) ngành nông nghiệp tỉnh tuy chiếm không lớn trong cơ cấu kinh tế chung của địa phương nhưng đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đây là ngành mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50% dân cư; cung cấp nông sản hàng hóa cho thị trường du lịch, công nghiệp và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại, cơ cấu nông nghiệp tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng, các vùng sản xuất tập trung dần được hình thành; công tác thu hút kêu gọi đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, kinh doanh và chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp đang có những chuyển biến khởi sắc.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, với quan điểm lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp thực hiện mô hình mẫu và phối hợp với cơ quan khoa học để chuyển giao hướng dẫn cho nhân dân cùng thực hiện đã tạo ra các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các doanh nghiệp được hỗ trợ, đổi mới công nghệ, ứng dụng vật liệu mới để đóng tàu du lịch, đóng lồng bè nuôi thủy sản thay thế các vật liệu nhanh hỏng, ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, sản phẩm của địa phương từ chỗ chưa có thương hiệu, sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống nhỏ lẻ nay đã được xây dựng quy trình sản xuất khoa học, tạo kiểu dáng mẫu mã đẹp, hấp dẫn. Các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật từ chọn giống đến chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, bảo quản và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng; thành lập mới 19 Hội sản xuất hoặc Hợp tác xã để sản xuất hàng hóa và quản lý thương hiệu được tạo lập.
Thêm vào đó, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực được quan tâm giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Giá bán các sản phẩm đều tăng và ổn định, quá trình triển khai các dự án thương hiệu đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung.
Về trồng trọt, chăn nuôi, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả. Các thương hiệu đã được thị trường đón nhận tích cực và trở thành hàng hóa, giúp nông dân nâng cao thu nhập như: rau an toàn Quảng Yên, chè đường hoa,…Các giống vật nuôi, cây trồng mới có chất lượng cao được ứng dụng sản xuất và nhân rộng như giống lợn VCN – MS15, giống thịt bò cao sản, giống vịt nước mặn,...Phương thức canh tác tiên tiến cũng được áp dụng trong sản xuất giống, sản xuất rau hữu cơ chất lượng cao và ứng dụng tưới nước theo công nghệ Israel đã được triển khai ở nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh.
Về phát triển thủy sản, địa phương đã đưa vào nuôi trồng 20.100 ha ao đầm, mặt nước trên biển với nhiều loài giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ, cá song, hàu biển, tu hài, hải sâm, cua biển và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, kết nối giữa sản xuất nguyên liệu thủy sản với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản có lợi thế so sánh. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư trong các lĩnh vực khác (công nghiệp, xây dựng) đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Một số mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch khá hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài vào ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, đặc biệt, tỉnh đã ký kết được các văn bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển một số giống mới như nấm, thanh long, na, nuôi thủy sản giữa các doanh nghiệp, địa phương của tỉnh với đối tác Đài Loan. Đến nay trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu cung cấp giống chất lượng cao, phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, chăn nuôi như: giống tôm, cua biển, cá biển, cá biển, trai ngọc,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, kinh phí đầu tư cho ứng dụng, nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít và chưa tập trung; trình tự thủ tục thanh quyết toán còn rất phức tạp. Do đó, chưa thúc đẩy mạnh mẽ công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ vào sản xuất.
Đồng thời, công tác triển khai thực hiện các chính sách đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động đổi mới công nghệ trong sản xuất chưa đáp ứng mùa vụ của sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp sản xuất manh mún, phân tán gây khó khăn không nhỏ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đa số là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ tiềm lực đầu tư lớn để sản xuất hàng hóa công nghệ cao. Việc tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ mới và thực hiện chuyển giao của các đơn vị, các doanh nghiệp còn hạn chế; tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là cản trở cho các đơn vị tham gia hoạt động.
Nhằm triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án KH&CN lĩnh vực nông nghiệp gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ KH&CN trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ sau thu hoạch,… Chú trọng phát triển một số trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Thêm vào đó, tăng cường tiềm lực KH&CN, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, thực hiện các chính sách đào tạo, thu hút và phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật ngành nông nghiệp. Lồng ghép kinh phí dành cho các hoạt động KH&CN lĩnh vực nông nghiệp nông thôn từ các chương trình kinh tế - xã hội, các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia.
Mặt khác, chủ động mở rộng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước. Phát triển các hình thức hợp tác liên kết, hợp đồng chuyển giao giữa các tổ chức KH&CN lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh./.