Đồng USD chỉ mới tăng từ cuối tháng 2 nhưng diễn biến của thị trường XK nông sản đã có ngay những tác động. Cụ thể, 4 tháng đầu năm nay, XK của ngành nông nghiệp đã giảm rất mạnh.
|
Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu. TTXVN |
Ông Nguyễn Hoài Nam-Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây đã than rằng, XK mặt hàng thủy sản từ đầu năm đến nay giảm mạnh là do tỷ giá. Tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác như Euro, Yên Nhật… nên các nhà nhập khẩu liên tục đề nghị DN đàm phán giảm giá trong khi giá thành sản xuất thủy sản trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.
Theo ông Nam, các nước đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia lại thả nổi tỷ giá nên thủy sản Việt Nam càng không cạnh tranh nổi để XK. Theo phân tích của ông Nam, trên 90% các hợp đồng XK thuỷ sản đều sử dụng đồng USD trong thanh toán trong khi đồng Yên và Euro đều giảm giá so với USD nên các đơn hàng thủy sản XK sang EU, Nhật giảm mạnh. Mặt khác, “tỷ giá của nước ta ổn định trong khi các nước đối thủ của thủy sản lại thả nổi tỷ giá nên thủy sản XK của ta trở nên đắt hơn so với các nước này, đây là bất lợi khiến XK thủy sản sụt giảm”-ông Nam nói.
Hai mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều bị cạnh tranh mạnh bởi hầu hết các đối thủ thả nổi tỷ giá nên XK của họ rất linh hoạt. Tỷ giá của chúng ta nay mới được nới nên hy vọng DN sẽ dễ thở hơn- ông Nam nói.
Trước đó, sản phẩm gỗ XK vào EU cũng gặp vấn đề tương tự về tỷ giá. Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội XK gỗ và lâm sản cho hay, đến thời điểm này giá thành XK mặt hàng gỗ vào EU đã giảm khoảng 20%, tương đương với 20% lợi nhuận khiến DN XK gỗ thua lỗ nặng. Đồng Euro mất giá trong khi tỷ giá USD/VND trong nước đứng im là nguyên nhân khiến XK gỗ chững lại. Theo ông Quyền, hầu hết các DN khó tìm được đơn hàng mới. Với nhiều đơn hàng cũ DN cũng rất đắn đo không biết với mức giá thấp thì phải làm như thế nào để đỡ lỗ chứ không mong hòa vốn.
Chưa phải đã hết khó
Thực tế cho thấy, đa số các nước XK nông sản như Việt Nam thường giao dịch thương mại bằng đồng USD, khi đồng USD tăng giá mạnh thì sản phẩm nông sản XK phải đứng trước áp lực giảm giá là không tránh khỏi.
Quan điểm
Hai mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều bị cạnh tranh mạnh bởi hầu hết các đối thủ thả nổi tỷ giá nên XK của họ rất linh hoạt. Tỷ giá của chúng ta nay mới được nới nên hy vọng DN sẽ dễ thở hơn.
|
Ông Võ Trí Thành-Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng và tác động mạnh nhất từ tỷ giá. Thực tế cho thấy, đa số các nước XK nông sản như Việt Nam thường giao dịch thương mại bằng đồng USD. Khi đồng tiền này tăng giá mạnh thì sản phẩm nông sản XK trở nên đắt đỏ và áp lực giảm giá là không tránh khỏi.
Ông Nguyễn Viết Vinh-Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao khẳng định: Việc ngân hàng điều chỉnh tỷ giá thêm 1% là giải pháp cho các mặt hàng nông sản XK, trong đó có cà phê. Bởi riêng với cà phê, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung nhưng giá vẫn giảm, điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp DN cạnh tranh và giúp chặn đà rớt giá. Hiện Brazil, nước XK cà phê lớn nhất thế giới, cũng đã hạ tỷ giá xuống để cạnh tranh, Indonesia cũng vậy, còn Việt Nam cứ “neo” tỷ giá là rất bất lợi cho DN.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, XK nông sản thực tế mang về một nguồn ngoại tệ không nhỏ. Các đối thủ cạnh tranh với nông sản XK của Việt Nam như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… đều thả nổi tỷ giá do vậy nếu chúng ta cứ giữ tỷ giá sẽ khiến hàng nông sản khó cạnh tranh được. Nới tỷ giá của ngân hàng vừa rồi có thể xem là cái phao tạm thời cứu nguy cho XK nông thủy sản đang lóp ngóp trên thị trường thế giới. Ông Hiếu cho biết, đến thời điểm này đã có hơn 20 nước trên thế giới phá giá tiền của họ, khiến hàng XK Việt Nam gặp bất lợi khi cạnh tranh về giá.
Đứng ở góc độ nghiên cứu, bà Trịnh Thị Ái Hoa thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, giữ tỷ giá của ta ổn định trong khi các nước giảm giá đồng tiền nước họ, điều đó có nghĩa là tiền ta lên giá. Như vậy sẽ cản trở XK nông sản và các mặt hàng khác, kích thích nhập khẩu.
Tuy nhiên theo bà Hoa, tỷ giá tăng mới chỉ có lợi cho người XK nông sản chứ nông dân vẫn bị thiệt. Bởi lẽ, nông dân phải mua giống, phân bón, thuốc sâu… nhập khẩu với giá cao. Những DN XK nông sản được lợi nhưng họ không đầu tư trở lại cho nông dân để thúc đẩy sản xuất nông sản XK. Do vậy, ngoài việc nới tỉ giá chúng ta còn cần nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ khác để nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất và XK hàng nông sản.