Theo ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng Giám đốc AGPPS, khi tham gia vào cánh đồng lớn (CĐL), sự trưởng thành của cả nông dân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong mối liên hệ với tập thể… là tiền đề vững chắc cho hoạt động của HTX sau này.
Trao đổi với NTNN, ông Thòn cho rằng, giá trị thực tế mà AGPPS thấy được, đo lường được từ mô hình CĐL là liên kết những hộ sản xuất nhỏ thành tập thể lớn.
Sau hơn 4 năm thực hiện CĐL, theo ông những giá trị mà nông dân nhận được khi tham gia liên kết với AGPPS là gì?
- Thông qua mô hình liên kết của AGPPS, bản thân các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị lúa gạo đã kết hợp được với nhau, gồm kết hợp giữa nông dân (ND) với ND trong một tổ sản xuất, giữa ND với doanh nghiệp (DN) và với những người làm dịch vụ. Ngay cả những thành phần mà lâu nay chúng ta thường nhìn họ với con mắt tiêu cực, là những chủ ghe, những người làm hàng xáo… thì nay họ cũng có một vai trong chuỗi liên kết của AGPPS. Họ giúp công ty vận chuyển lúa từ cánh đồng về nhà máy đúng lộ trình. Khi xây dựng CĐL, chúng ta cũng đã giải quyết được những vấn đề cơ bản mà trước đây, mỗi ND họ không thể tự giải quyết được.
Những vấn đề mà “tự ND không thể giải quyết được” trên là gì, thưa ông?
- Thứ nhất là chuyện vốn. Chúng tôi giải quyết vấn đề này thông qua việc cho ND mua nợ vật tư nông nghiệp. Thứ hai, trong CĐL, khả năng tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tốt hơn rất nhiều. Ở AGPPS, lực lượng “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) đã làm rất tốt khi hỗ trợ ND sản xuất theo chuỗi khép kín ngay từ khâu giống. Thứ ba, là vấn đề mà lâu nay bà con rất “bí”, đó là khâu chế biến và tiêu thụ, tức đầu ra cho sản phẩm. Khi có chuỗi liên kết, DN tham gia sẽ đảm bảo vấn đề đầu ra cho ND.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng HTX kiểu mới, việc tìm được nguồn nhân sự để điều hành HTX sao cho hiệu quả là vấn đề không đơn giản?
- Ở AGPPS, trải qua một thời gian hợp tác, thực hiện liên kết làm CĐL với ND, giữa hai bên đã có sự gắn bó mật thiết, có sự tin tưởng lẫn nhau. Khi tham gia vào CĐL, ND phải sản xuất một cách “có trật tự”, tức phải từng bước thay đổi thói quen, tư duy sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Qua thời gian, sự trưởng thành của ND, đội ngũ tư thương và cả anh em “ba cùng” sẽ tạo ra nguồn cán bộ để công cuộc hợp tác hóa, tổ chức lại sản xuất thời gian tới hữu hiệu hơn mà không cần phải đầu tư quá nhiều nhưng lại không đạt được hiệu quả mong đợi như trước đây từng làm. AGPPS dự định thực hiện 100 HTX trong vài năm tới.
Theo ông, để HTX kiểu mới phát huy được hiệu quả, nâng cao vai trò của loại hình kinh tế này trong nông nghiệp, cần tổ chức đội ngũ cán bộ HTX như thế nào?
- Trước đây, người ta thường nói “xã viên làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm sắm đài, sắm xe”. Nay quan điểm này không còn nữa. Thay vào đó, HTX muốn tồn tại và phát triển được phải có những hoạt động thiết thực, giúp nâng lợi nhuận của xã viên. Ngược lại, nếu HTX không quan tâm tới xã viên chắc chắn sẽ không thể tồn tại. Theo tôi, đại diện HTX là người do bà con ND bầu lên, thường là người có ruộng nhiều, làm ruộng giỏi, có tấm lòng rộng lượng, ai có gì khó thì giúp, biết chia sẻ kinh nghiệm, xã viên lỡ có thiếu tiền thiếu xe thì ông chủ nhiệm cũng có thể cho mượn được.
Xin cảm ơn ông!