Vừa qua, Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức “Hội nghị khách hàng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2015”. Hội nghị nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làng nghề gặp gỡ, liên kết thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 5.096 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời và nổi tiếng trong và ngoài nước như: lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, gốm Chu Đậu…Nhiều doanh nghiệp làng nghề cũng đã có tiếng trong thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thế giới.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, những năm gần đây nhiều làng nghề khá phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề chưa bền vững, sức cạnh tranh còn kém. Đặc biệt, khi cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, hiệp định thương mại giữa nước ta với các nước được ký kết, nhiều dòng thuế sẽ chỉ còn 5 – 0%, hàng hóa tràn vào, làng nghề sẽ chịu thêm sự cạnh tranh rất gay gắt. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp làng nghề rất “ngơ ngác” trước vấn đề này.
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn- Hiệp hội làng nghề Việt Nam, điều tra của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy có đến 70% doanh nghiệp nước ta hiện nay không hiểu về hội nhập, doanh nghiệp làng nghề không phải ngoại lệ. Đây là vấn đề rất đáng lo bởi so với các nước trong khu vực, Việt Nam có những sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, tồn tại vài trăm năm nhưng cũng có những sản phẩm đồng dạng. Hơn nữa, các nước trong khu vực như: Indonesi, Thái Lan, Malaysia…sản phẩm TCMN rất tinh xảo, giá thành hợp lý, Chính phủ các quốc gia này cũng dành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển …Vì vậy, họ là những đối thủ cạnh tranh rất đáng gườm.
Doanh nghiệp làng nghề “ngơ ngác” trước vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế là do thiếu thông tin. Tuy nhiên, thông tin về hội nhập như thế nào, lĩnh vực nào miễn thuế, miễn bao nhiều, lộ trình thế nào lại do cơ quan nhà nước nắm rõ nhất. Vì vậy, ông Tuấn kiến nghị: Cơ quan nhà nước cần cung cấp nhiều hơn, cụ thể hơn những thông tin về hội nhập cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp làng nghề nói riêng. Doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động tiếp cận thông tin để điều chỉnh kịp thời sản xuất cho phù hợp với thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cải tiến mẫu mã sản phẩm, sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thị trường cần, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực…