Một mặt tỉnh Bắc Giang sẽ làm tốt công tác xuất khẩu sang một số thị trường mới như Mỹ, Úc, Nhật. Đồng thời vẫn chú trọng việc tiêu thụ nội địa và thị trường truyền thống là Trung Quốc.
|
Tưới phân bón lá cho cây vải thiều |
Theo tính toán, sản lượng vải thiều năm 2015 của tỉnh Bắc Giang sẽ đạt khoảng 160.000 tấn, giảm 30.000 tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân do 1.000 ha vải kém năng suất tại Lục Ngạn đã được người dân chuyển đổi sang trồng cam.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, một mặt sẽ làm tốt công tác xuất khẩu sang một số thị trường mới như Mỹ, Úc, Nhật. Đồng thời vẫn chú trọng việc tiêu thụ nội địa và thị trường truyền thống là Trung Quốc.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Ông Phan Văn Hùng, PGĐ Sở Công thương Bắc Giang cho biết, 2014 là năm có sức tiêu thụ vải tăng vọt của thị trường trong nước. Vải tươi được tiêu thụ khắp mọi tỉnh thành.
Các TP lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được xem là những thị trường trọng điểm. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt 90.000 tấn (chiếm 48%). Đặc biệt, tại thị trường phía Nam, nhu cầu vải tươi tăng mạnh chưa từng có, ước đạt gần 60.000 tấn.
Năm nay, sản lượng vải được dự báo sẽ giảm khoảng 30.000 tấn. Tuy nhiên chất lượng của quả vải sẽ tăng lên do khâu sản xuất được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật VietGAP, GlobalGAP sâu hơn.
Theo ông Hùng, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, rất cần các chương trình như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, cần sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương trong cả nước, kết nối thị trường tiêu thụ, đa dạng các kênh phân phối để quảng bá sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại phải luôn được coi trọng, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ.
Mục tiêu của Bắc Giang là tiếp tục giữ vững thị trường tiêu thụ vải tươi đã có. Bên cạnh đó sẽ mở rộng đến thị trường nông thôn ở các tỉnh, thành phố. Thị trường phía Nam vẫn là kênh tiêu thụ nội địa quan trọng bậc nhất. Dự kiến, khu vực này sẽ chiếm khoảng 63% sản lượng vải tiêu thụ nội địa trong năm nay.
Bà Mai Oanh, TGĐ Cty Thương mại Hà Nội cho biết, sẵn sàng hợp tác với Bắc Giang quảng bá thương hiệu vải thiều đến với nhân dân thủ đô. Cty hiện có rất nhiều chi nhánh, gian hàng trưng bày sản phẩm, đây sẽ là một kênh phân phối vô cùng hữu ích.
Theo kinh nghiệm của bà Oanh, Bắc Giang nên tổ chức các sự kiện như “Lễ hội vải thiều” hay “Hội chợ vải thiều”. Qua đó, thương hiệu vải thiều Bắc Giang sẽ được lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ hơn.
Chân trong, chân ngoài
Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, đã chuẩn bị kỹ càng cho “chiến dịch” tiêu thụ vải thiều năm 2015. Các khâu từ sản xuất, bảo quản cho tới tiêu thụ đều trong tầm kiểm soát.
Việc thị trường Mỹ mở cửa cho 600 tấn vải thiều của Việt Nam là một cơ hội tốt, phải nắm bắt ngay lập tức. Nhiều đoàn chuyên gia Nhật Bản, Mỹ cũng đã đến Lục Ngạn để khảo sát. Đánh giá chung, chất lượng vải ở đây hoàn toàn có cơ hội trở thành vùng nguyên liệu xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có 1/6 mã vùng sản xuất được phía doanh nghiệp đến ký cam kết thu mua cho người dân. Ông Tấn cũng cho biết, còn một cái khó hiện nay đó là công nghệ bảo quản. Lục Ngạn rất cần có sự giúp sức từ phía Bộ Khoa học Công nghệ.
Về phía Bộ Công thương, bà Dương Thị Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu cho biết, đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT tiến hành đánh giá thị trường, các hàng rào kỹ thuật, thủ tục xuất nhập khẩu để có sự trợ giúp kịp thời cho tỉnh Bắc Giang. Bà Thảo đánh giá, Mỹ là thị trường khó tính, nhưng nếu ta nắm bắt kịp thời, làm tốt công tác thị trường, việc xuất khẩu vải, nhãn sẽ dễ dàng hơn.
“Năm 2014, chúng tôi đã làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Sự phối kết hợp giữa các địa phương và các tỉnh có cửa khẩu chủ động, nhịp nhàng. Công tác tổ chức sản xuất cũng đã ngày một quy củ hơn”, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin.
Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trả lời PV
Về định hướng xuất khẩu vải thiều đi Mỹ, ông Hạnh cho rằng, cần phải làm tốt thêm một số khâu nữa. Dù thế nào, Bắc Giang sẽ cố gắng xuất khẩu một lượng vải nhất định vào thị trường Mỹ trong năm nay.
“Chúng tôi vẫn luôn coi trọng thị trường truyền thống là Trung Quốc. Tuy nhiên, để dần giảm sự phụ thuộc vào thị trường này, chúng tôi sẽ mở rộng xuất khẩu sang thị trường khác. Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ giảm lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc xuống dưới 40%”, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin. |
Cái vướng trước mắt là khâu chiếu xạ cho sản phẩm, sao cho đúng, cho đạt. Trao đổi với PV, ông Hạnh cho biết, với những doanh nghiệp “chịu” đăng ký thu mua vải cho bà con, tỉnh sẽ có cơ chế riêng. Ví dụ như hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển, miễn sao không phạm luật.
Bên cạnh thị trường mới, ông Bùi Văn Hạnh cũng nhấn mạnh, phải làm sao phát triển hài hòa cả “hai chân” là trong nước và nước ngoài. Vừa phải đảm bảo công tác xuất khẩu, vừa phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đặc biệt mở rộng thị trường miền Nam, miền Trung.
Vải thiều “bay” có dễ?
Vấn đề này đang được rất nhiều người quan tâm. PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Thương mại hàng hóa (Tổng Cty Hàng không VN), chi nhánh khu vực miền Bắc.
Ông Tuấn cho biết, hiện đơn vị đang nắm giữ 81 máy bay có khả năng vận chuyển hàng hóa đi khắp các nước trên thế giới. Nếu như vận chuyển vải bằng máy bay, đơn vị xuất khẩu nên đưa hàng thẳng tới sân bay Nội Bài. Thủ tục nhập hàng thường kéo dài từ 1,5 – 2 tiếng.
Mấu chốt hiện nay là chưa có chuyến bay thẳng Hà Nội – Mỹ. “Chúng tôi đang liên doanh với hãng hàng không Hàn Quốc. Đây là hãng có số máy bay chở hàng lớn nhất nhì thế giới, đi tới các TP lớn như New York, Los Angeles.
Từ Hà Nội, hàng hóa có thể vận chuyển qua In Cheon (Hàn Quốc) bằng máy của Vietnam Airlines rồi đi Mỹ. Hai là vận chuyển bằng máy bay của hãng CI (Đài Loan) tại Nội Bài, bay trung chuyển tới Đài Loan rồi mới bay đi Mỹ”, ông Tuấn thông tin. Nếu như nhanh nhất, mất khoảng 2 – 3 ngày, vải thiều Việt Nam sẽ tới đất Mỹ.
Khó khăn lớn nhất khi vận chuyển bằng máy bay là vấn đề giá cước. Vị này cho biết, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ hiện khá cao, dao động khá lớn tùy từng thời điểm. (Hết)