Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo đồ Việt Nam đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, châu Phi và một số quốc gia châu Á, giá đang ở mức tương đối cao so với gạo trắng. Nếu việc mở thị trường thuận lợi, Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 - 150.000 tấn gạo đồ trong năm nay.
Gạo đồ (parboiling) thường cho cơm khô, có thể ăn bằng tay nên được người đạo Hồi ưa chuộng. Gạo đồ có quy trình chế biến từ lúa được ngâm nước nóng, hấp trong hơi nước ở nhiệt độ và thời gian quy định, rồi sấy khô, sau đó xay xát, đánh bóng. Quá trình đồ gạo thúc đẩy các chất dinh dưỡng từ cám đi vào bên trong hạt, hương vị hậu ngọt hơn so với gạo thường. Vì vậy gạo đồ có giá bán tương đối cao, tương đương hoặc cao hơn giá gạo 5% tấm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo đồ Việt Nam đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, châu Phi và một số quốc gia châu Á, giá đang ở mức tương đối cao so với gạo trắng. Nếu việc mở thị trường thuận lợi, Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 – 150.000 tấn gạo đồ trong năm nay.
Mặc dù xuất khẩu gạo đồ có mức giá hấp dẫn và cho lợi nhuận cao, lại giải quyết được lúa ướt vụ hè thu cho bà con nông dân, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này do vốn đầu tư lớn và vấn đề đẩu ra cho sản phẩm còn chưa chắc chắn.
Mỗi năm, các nước châu Phi phải nhập khẩu từ 8 đến 10 triệu tấn gạo các loại để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi là Nigeria (3,5 triệu tấn/năm), Senegal, Côte d’Ivoire (800.000-1 triệu tấn/năm), Nam Phi, Ghana (400-600.000 tấn), Tanzania, Angieri, Cameroon, Guinea… Trong số này, hai nước nhập khẩu nhiều gạo đồ nhất là Nigeria và Nam Phi.
Nigeria
Với dân số trên 160 triệu dân, Nigeria là một trong những thị trường lớn nhất châu Phi. Loại lương thực tiêu thụ chủ yếu ở Nigeria hiện nay là ngô, gạo và sắn. Gạo đã dần trở thành lương thực chủ đạo trong khẩu phần hàng ngày của người dân Nigeria do đặc diểm dinh dưỡng cao, dễ chế biến, hương vị phù hợp.
Cùng với sự tăng dân số, thu nhập người dân được cải thiện, đến nay gạo đã trở thành mặt hàng chiến lược trong nền kinh tế Nigeria. Nhu cầu tiêu thụ gạo tại Nigeria tăng mạnh trong khoảng 50 năm trở lại đây. Nếu như vào những năm đầu 60, lượng gạo tiêu thụ cả nước vào khoảng 240 nghìn tấn/năm, trung bình khoảng 3kg/người/năm thì nhu cầu tiêu thụ năm 2011 đã lên đến 5,4 triệu tấn/năm, trung bình khoảng 32kg/người/năm, tốc độ tăng trung bình 15%/năm trong giai đoạn này.
Diện tích trồng lúa đã tăng từ 185.000 hecta trong những năm 1960 lên trên 2 triệu hecta vào năm 2011 với tốc độ tăng trung bình trên 20% mỗi năm. Chính phủ Nigeria đã đưa ra chương trình cải cách trong đó có mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực thông qua cải cách ruộng đất, nghiên cứu giống và kỹ thuật mới chuyển giao cho nông dân nhằm tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Tuy vậy, sản xuất lúa gạo trong nước của Nigeria không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Sản lượng lúa gạo sản xuất trong năm 2011 ước đạt khoảng 2,7 triệu tấn, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng nội địa. Năm 2010, Nigeria nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn gạo và năm 2012 nhập khẩu vào khoảng 2 triệu tấn, đứng thứ hai về lượng gạo nhập khẩu trên thế giới.
Gạo nhập khẩu vào thị trường Nigeria bên cạnh các loại thuế của Cộng đồng các nền kinh tế Tây Phi (ECOWAS) còn phải chịu mức thuế nhập khẩu riêng của Nigeria. Từ 01/01/2013, Chính phủ Nigeria đã áp dụng chung mức thuế 110% (10% thuế nhập khẩu và 100% thuế mặt hàng) cho cả gạo lức và gạo đã xay xát. Theo quy định, gạo đóng bao nhập khẩu vào Nigeria phải có tem nhãn bằng tiếng Anh, trên đó có ghi các thông tin về chủng loại gạo, hàm lượng dinh dưỡng và thời hạn sử dụng. Nhà nhập khẩu gạo còn phải có chứng nhận của Cục Kiểm tra và Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (NAFDAC) đối với sản phẩm lương thực. Tuy nhiên, hàng năm lượng gạo nhập lậu vào Nigeria chiếm lượng đáng kể, khoảng 560.000 tấn, trị giá khoảng 16,3 tỷ Naira, chủ yếu thông qua biên giới với Bê-nanh.
Về chủng loại, thị trường Nigeria tiêu thụ chủ yếu loại gạo đồ và gạo không dính như Basmami của Ấn Độ trong khi gạo trắng chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần lớn gạo đồ nhập khẩu của Nigeria đến từ Thái Lan, ngoài ra còn có Ấn Độ, Pakistan. Năm 2010, Nigeria nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo từ Thái Lan, trong khi đó nhập khẩu từ Việt Nam lượng gạo chỉ khoảng 2.600 tấn.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nigeria đạt mức cao nhất 16,9 triệu USD, năm 2013, giảm xuống còn 1,8 triệu USD và năm 2014, chỉ đạt 381.000 USD.
Nam Phi
Nam Phi là nước không sản xuất lúa gạo chủ yếu là do điều kiện tự nhiên không phù hợp, thiếu nước tưới trong khi lúa gạo là loại cây trồng đòi hỏi có một lượng nước lớn. Chính vì vậy, toàn bộ lượng gạo tiêu dùng cũng như kinh doanh tái xuất của Nam Phi đều phải nhập khẩu, khoảng 700.000 tấn/năm. Mặt hàng gạo khi nhập khẩu vào Nam Phi được hưởng thuế suất 0%, tuy nhiên mặt hàng này vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng với mức 14%.
Hiện nay, Nam Phi chủ yếu mua gạo từ 5 nước đó là Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam trong đó Thái Lan là nước xuất gạo nhiều nhất sang thị trường Nam Phi. Trong năm 2010, Nam Phi đã mua của nước này một lượng gạo trị giá 339 triệu USD tương đương với 87% tổng lượng gạo Nam Phi nhập khẩu. Thị trường gạo Nam Phi có mức tăng trưởng 7,2% trong giai đoạn 2004-2010, dự báo đạt 8-10% giai đoạn 2011-2015, hiện tại doanh nghiệp có thị phần gạo lớn nhất thị trường Nam Phi là Công ty TNHH Tiger Brands. Loại gạo mà thị trường Nam Phi nhập khẩu chủ yếu là gạo đồ.
Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Nam Phi 41.148 tấn gạo với trị giá 17,32 triệu USD, tăng 21% về giá trị so với năm 2013. Các số liệu thống kê cho thấy, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo vẫn chiếm một tỉ trọng nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi và thường không ổn định. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc chủng loại gạo thị trường Nam Phi nhập khẩu chủ yếu là gạo đồ và gạo của Việt Nam nhập khẩu chủ yếu để tái xuất.
Angieri
Angieri cũng là thị trường có nhiều tiềm năng về xuất khẩu cho gạo Việt Nam. Đây là quốc gia không sản xuất lúa và mỗi năm phải nhập khẩu trên 100.000 tấn gạo với kim ngạch trung bình 60-70 triệu USD, trong đó gạo đồ chiếm 25%.
Về chính sách nhập khẩu gạo, hoạt động nhập khẩu gạo vào Angieri được tiến hành tự do, thường do các công ty tư nhân tiến hành. Gạo nhập khẩu được đóng gói vào các túi giấy 0,5 đến 1,0kg và bán nguyên trạng không qua chế biến.
Theo quy định xuất nhập khẩu của Angieri, kể từ tháng 8/2009, tất cả các lô hàng nhập khẩu vào thị trường này chỉ được sử dụng phương tiện thanh toán duy nhất là L/C.
Các quốc gia cung cấp gạo chính sang Angieri gồm có Việt Nam và Thái Lan.
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Angieri đạt 40 triệu USD, chiếm hơn 50% thị phần gạo của quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo đã giảm xuống còn 15,8 triệu USD.