Hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Lào Cai
14:27 - 05/05/2015
Tập hợp hộ cùng sở thích, chọn mặt hàng đặc hữu và thị trường cần, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm - đó là cách làm của những HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả ở tỉnh Lào Cai.

Kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường ở HTX sản xuất tương ớt Mường Khương (Lào Cai).

Tập hợp hộ sản xuất cùng sở thích

Chúng tôi lên huyện vùng cao Mường Khương, tìm đến HTX sản xuất tương ớt do anh Nguyễn Văn Dũng làm Chủ nhiệm. HTX thành lập năm 2004, từ hơn chục xã viên, vốn điều lệ hơn hai tỷ đồng, đến nay HTX đã có gần 40 xã viên, vốn điều lệ tăng lên hơn chục tỷ đồng. Điều quan trọng nhất là HTX phát triển bền vững từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý vốn đến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định và ngày càng cao cho xã viên. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Dũng cho biết: HTX hiện có 150 ha ớt nguyên liệu, tại các xã Nậm Chảy, Thanh Bình, Tung Chung Phố,... năm 2014 sản xuất và tiêu thụ được 450 tấn tương ớt, doanh thu hơn 13 tỷ đồng.

Xã viên tham gia HTX là những hộ nông dân, gồm nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Giáy..., cư trú rải rác ở các địa phương, nhưng có một điểm chung là cùng sở thích canh tác nông nghiệp trên đất dốc, sản xuất nông sản. Trên cơ sở đó, HTX quyết định sản xuất mặt hàng tương ớt, bởi đây là giống cây đặc sản của địa phương, hơn nữa bà con nông dân bản địa có kinh nghiệm về canh tác loại cây này. HTX tương ớt Mường Khương hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, dân chủ, công khai, cùng có lợi, vì thế xã viên thật sự làm chủ, cùng góp vốn, tham gia sản xuất và cùng hưởng lợi. Tương tự, HTX Hoa Đào ở huyện Sa Pa cũng là ngôi nhà chung của những hộ nông dân trồng su su, vốn điều lệ khoảng 20 tỷ đồng.

Tại đây, có hơn 70 hộ xã viên trồng su su đặc sản, với vùng nguyên liệu 110 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 10 nghìn tấn su su tiêu chuẩn, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Ở HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bản địa Tả Phìn, hàng trăm hộ nông dân người dân tộc Dao, Mông,... đã tự nguyện liên kết trồng hơn 100 ha cây thuốc tắm lá và khai thác tự nhiên để chiết xuất, sản xuất thuốc tắm dạng tuýp cô đặc mang tên "Dao Sa Pa", đem lại thu nhập cao và ổn định; đồng thời, bảo tồn được nguồn cây thuốc quý của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai Phạm Đức Cường cho biết: Trong lĩnh vực nông nghiệp, thế mạnh của Lào Cai là đất đai rộng, nhiều tiểu vùng khí hậu, người dân các dân tộc bản địa có kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi trên đất dốc. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 HTX nông nghiệp, với khoảng 7.000 xã viên. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng "đông mà không mạnh", nhiều HTX chỉ có "vỏ" còn "ruột" thì rỗng hoặc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Thực tế ở những HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản thành công là do đã tập hợp, liên kết những hộ sản xuất có cùng sở thích, chọn đúng mặt hàng đặc hữu và thị trường cần, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các HTX này đang góp phần khai thác tốt lợi thế về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm để sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

"Trong xu thế hội nhập, từng người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ không bao giờ cạnh tranh tốt được trên thị trường. Muốn có sản phẩm tốt, đồng đều, quản lý được chất lượng và hiệu quả, buộc phải hợp tác và liên kết với nhau"- Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Lào Cai Nguyễn Xuân Nhẫn phát biểu. Kết quả liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm ở HTX chăn nuôi gia cầm Quý Hiền (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) đã chứng minh điều đó. HTX có 38 xã viên, chuyên chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng với 26 trại nuôi, cung ứng giống, thức ăn, vật tư phòng dịch bệnh cho xã viên và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường ba tấn gà thịt và khoảng 20 nghìn quả trứng. Năm 2014, HTX cung cấp 1.000 tấn gà thịt và sáu triệu quả trứng, doanh thu 58 tỷ đồng; hộ xã viên có thu nhập cao nhất tới 800 triệu đồng; thấp nhất cũng 140 triệu đồng. Ban Quản lý HTX chỉ có bốn người, cũng tham gia chăn nuôi và hưởng lợi từ sản phẩm làm ra, cộng thêm khoản chi phí quản lý được các xã viên thống nhất chấp thuận.

Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền Phan Văn Ân cho biết, cách xây dựng thương hiệu gà thịt và trứng của HTX là liên kết với Viện Chăn nuôi, Công ty giống Hòa Bình để có giống thuần chủng; hợp đồng mua cám chất lượng cao của các công ty Mỹ và Hà Lan; áp dụng quy trình nuôi và đẻ trứng khoa học; nhờ vậy sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý, sức cạnh tranh tốt. Hiện tại, sản phẩm gà thịt và trứng của HTX chiếm 60% thị phần toàn tỉnh Lào Cai, "đánh bật" sản phẩm cùng loại nhập lậu từ Trung Quốc. Ở HTX Hoa Đào, Ban chủ nhiệm và các xã viên áp dụng quy trình sản xuất và bảo quản su su theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp thương hiệu độc quyền.

Bên cạnh đó, chính quyền huyện Sa Pa hỗ trợ vật liệu kiên cố hóa giàn đỡ; tổ chức Danida (Đan Mạch) hỗ trợ xe bảo ôn chuyên chở su su tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội. Chủ nhiệm HTX Hoa Đào Nguyễn Thị Liên cho biết, trước đây gần 50% số xã viên thuộc diện nghèo, sau năm năm vào HTX (2013) toàn bộ đều có thu nhập khá. Nhiều hộ xã viên đạt thu nhập 200 triệu đến 500 triệu đồng/năm nhờ chuyên canh quả và ngọn su su. Đối với HTX tương ớt Mường Khương, xác định thương hiệu sản phẩm là "giấy thông hành" để vươn ra thị trường nên chỉ sau hai năm thành lập, HTX đã có trong tay giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm của cơ quan chức năng. Nhờ vậy, tương ớt Mường Khương đã vươn đến thị trường nhiều tỉnh miền núi phía bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, khẳng định chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn, vấn đề khó khăn nhất của các HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Lào Cai hiện nay rất thiếu vốn, do đóng góp của các xã viên chủ yếu là đất đai, nhân lực, nguồn tiền chủ yếu dựa vào vay ngân hàng. Để vay vốn ngân hàng, HTX cần phải có dự án và tài sản thế chấp, đây là hai "cửa ải" nhiều HTX khó vượt qua. Thời gian vay vốn cũng chưa thật sự phù hợp với quy trình sản xuất và tiêu thụ, mặt khác, sản xuất nông nghiệp chịu rủi ro cao. Vì vậy, tỉnh Lào Cai đang xây dựng "Quỹ hỗ trợ HTX nông nghiệp", huy động vốn từ mọi thành phần kinh tế.

Khi đã có nguồn vốn, sẽ áp dụng cơ chế cho vay trực tiếp, thông thoáng đến các HTX, đồng thời hỗ trợ HTX khi gặp rủi ro.

 

Nguồn: Theo Nhân dân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo