Ông Phùng Quang Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để chuẩn bị cho “bước chuyển dịch” lao động nông thôn trong những năm gần đây tỉnh đã cố gắng cải thiện chất lượng lao động...
|
Lao động nữ khi bước qua tuổi 35 sẽ khó kiếm được việc làm |
Xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đặt trọng tâm vào nhóm chính sách tháo gỡ khó khăn của ngành, khuyến khích SX những sản phẩm nông nghiệp thuần túy và đặc biệt giải quyết bài toán lao động, việc làm ở khu vực nông thôn…
Nặng gánh lao động nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp bấp bênh là vấn đề nan giải của khu vực nông thôn miền Bắc. Để giải bài toán này, lâu nay các địa phương vẫn loanh quanh với lựa chọn trồng cây gì nuôi con gì, rồi quy hoạch đồng ruộng tạo vùng SX hàng hóa, cánh đồng mẫu lớn… với nhiều nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ được triển khai, nhờ đó đời sống người dân nông thôn được cải thiện.
Tuy nhiên, về giải pháp đột phá tạo nên những vùng nông thôn trù phú và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, thành thị, có thể nói chưa có tỉnh, thành nào thành công rõ rệt.
Vĩnh Phúc cũng nằm trong thực trạng chung đó. Dù nhiều năm liên tục đầu tư hỗ trợ phát triển nông thôn nhưng đến nay thực trạng tại khu vực nông thôn Vĩnh Phúc vẫn còn giữ nguyên những tồn tại, hạn chế cơ bản: Quy mô SX nhỏ, phân tán, chất lượng không đồng đều, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, chất lượng VSATTP chưa cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nông dân chưa chuyên nghiệp hóa, công nghiệp chế biến nông sản kém phát triển…
Những tồn tại kể trên khiến cho hoạt động lao động SX nông nghiệp trở nên bấp bênh trong khi lao động nông nghiệp tại Vĩnh Phúc là 191.955 người, chiếm tới 37% lực lượng lao động của tỉnh.
Ở một địa phương mà 37% lao động thu nhập bấp bênh thì việc duy trì tăng trưởng còn khó nói gì đến phát triển đột phá.
Bên cạnh đó, năng suất lao động nông nghiệp năm 2014 của Vĩnh Phúc chỉ đạt 8,4 triệu đồng/người, rất thấp so với công nghiệp là 69,4 triệu đồng/người và dịch vụ là 21,7 triệu đồng/người.
Số liệu trên cho thấy rất khó để thu hẹp khoảng cách năng suất lao động giữa nông nghiệp với các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn khó có thể đạt nếu chỉ tiếp tục dựa trên SX nông nghiệp thu nhập thấp trong khi bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập, giữa nông thôn và thành thị ngày một doãng ra.
Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đặt vấn đề cốt lõi của phát triển nông thôn là phải giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp, theo đó tỉnh đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn.
Trong đó, hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ đạo nhưng được đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhằm mục tiêu từ nay đến 2030 sẽ chuyển dịch mạnh mẽ lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và đặc biệt là dịch vụ.
Ông Phùng Quang Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để chuẩn bị cho “bước chuyển dịch” lao động nông thôn trong những năm gần đây tỉnh đã cố gắng cải thiện chất lượng lao động bằng cách đẩy mạnh hoạt động giáo dục và dạy nghề.
Từ năm 2011, tỉnh đã triển khai Đề án phân luồng hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông với mục tiêu cụ thể là phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS sang bổ túc văn hóa có học nghề từ 25-30%, học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề từ 35-50% kèm theo chính sách hỗ trợ chi phí học tập cao đẳng nghề 400 ngàn đồng/tháng, bổ túc văn hóa nghề 350 ngàn đồng/tháng.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về phân luồng học sinh THCS sang học nghề kết hợp bổ túc THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Khó khăn lớn nhất trong chuyển dịch cơ cấu lao động mà Vĩnh Phúc phải đối mặt là số lượng lao động có độ tuổi trên 35, đặc biệt là đối với lao động nữ.
Vĩnh Phúc có 192.955 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trung bình lao động nông nghiệp hiện tại chỉ dành 1/3 thời gian, nếu sử dụng 100% thời gian lao động nông nghiệp thì 2/3 lao động nông nghiệp sẽ bị dôi dư dẫn đến tình trạng thừa lao động thiếu việc làm. |
Hiện lao động nữ chiếm tỉ lệ rất lớn trong các khu công nghiệp (73,5%) và có xu hướng ngày càng gia tăng nhưng đây chủ yếu là đối tượng lao động trẻ dưới 34 tuổi.
Số lao động này khi bắt đầu suy yếu sẽ bị loại thải khỏi các khu công nghiệp và sẽ gặp khó khăn khi tìm việc ở các ngành khác.
Lâu nay chính nhóm đối tượng này tạo sức ép ở khu vực nông thôn nên để tạo việc làm cho họ không thể chỉ trông chờ vào ngành kinh tế nông nghiệp mà Vĩnh Phúc phải tính đến những giải pháp tổng thể để sớm chuyển đổi một phần lao động nữ sang các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu lao động.
Ngành du lịch của Vĩnh Phúc với các địa danh nổi tiếng như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng lợi thế.
Về giáo dục, Vĩnh Phúc hiện đã có 5 trường ĐH và đang định hướng đưa tỉnh trở thành trung tâm đào tạo đại học khi đã quy hoạch 2.000 ha đất để hình thành 1 khu tập trung các trường đại học kèm các điều kiện ưu đãi khác để thu hút ĐH lớn ở Hà Nội chuyển về theo chủ trương di dời các trường ĐH của Bộ GD-ĐT… |
Cụ thể, cần phải tận dụng ưu thế gần Hà Nội và có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua để phát triển hơn nữa các ngành dịch vụ phục vụ cho Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như giáo dục, y tế, thương mại, du lịch.
Tạo vùng thương mại nông sản
Trên quan điểm lấy phát triển công nghiệp và dịch vụ làm nền tảng để tăng đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhằm tạo việc làm từ nay đến năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ giành khoảng 3.000 tỉ đồng để đầu tư cho nông nghiệp và sẽ lấy phát triển chăn nuôi là ngành SX chính với hai sản phẩm mũi nhọn là chăn nuôi bò và lợn.
Đồng thời tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng vùng Thổ Tang trở thành trung tâm dịch vụ thương mại đầu mối nông lâm sản của cả vùng, đặt mục tiêu đến năm 2020 ngành chăn nuôi sẽ chiếm 56% tổng giá trị ngành nông nghiệp, thu nhập của dân cư nông thôn sẽ cao hơn gấp hai lần so với năm 2014 và chuyển dịch một phần lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động sao cho tỉ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn 30%.
Vĩnh Phúc kì vọng cùng với “cú hích” 3.000 tỉ vào SX nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một vùng SX hàng hóa lớn, kèm theo giải pháp hỗ trợ hoạt động thương mại nông sản để hình thành một trung tâm lớn tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường về buôn bán hàng hóa nông sản và các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố ĐBSH.
Từ đó, phát triển các cơ sở chế biến nông sản, các ngành dịch vụ sau thương mại như vận tải, kho vận, dịch vụ cung cấp thiết bị bao bì đóng gói, dịch vụ tài chính, kế toán, bảo hiểm, dịch vụ marketing…, tạo mới hàng chục ngàn lao động trong kinh doanh trực tiếp cũng như lao động từ các dịch vụ hỗ trợ kể trên.
Có thể nói, tư duy xây dựng một vùng thương mại nông sản của Vĩnh Phúc là một nét độc đáo mà nếu thành công sẽ không chỉ tác động hỗ trợ tích cực giúp SX nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả một vùng nông thôn rộng lớn.
Nhưng ngược lại, để làm được điều đó trước hết Vĩnh Phúc phải tiếp tục đi tìm lời giải cho hàng loạt bài toán khó liên quan đến SX nông nghiệp như thu hút doanh nghiệp đưa công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo VSATTP; vấn đề tích tụ đất đai cho SX lớn; lựa chọn mô hình nào thích hợp với từng sản phẩm mũi nhọn để khuyến khích phát triển... (Còn nữa)
Nhân tố con người thực hiện chính sách cũng là một vấn đề có thể liên quan đến sự thành bại của Đề án. Vĩnh Phúc là tỉnh có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn và đa phần các chính sách đều đến được với người dân nhưng đã làm thì không thể tránh khỏi mắc phải sai lầm.
Câu chuyện về một chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn triển khai ở tỉnh Vĩnh Phúc khi được rà soát kiểm tra đã phát hiện có xã đào tạo tới gần 900 người học nghề nấu ăn trở thành giai thoại được lãnh đạo tỉnh kể một cách hài hước mỗi khi nhắc đến nhân tố con người khi thực hiện chính sách.
|