Tiêu thụ nông sản - Liên kết từ sản xuất đến thị trường
09:53 - 04/05/2015
Vừa qua, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường”. Buổi tọa đàm nhằm chia sẻ, giải đáp những vấn đề còn vướng mắc liên quan đến quy hoạch sản xuất, định hướng thị trường,… của ngành nông nghiệp, khi thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường”.
Một trong những thông tin đáng quan tâm được đưa ra tại Tọa đàm là giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I giảm tới 13,2% so với cùng kỳ 2014. Lý giải về thực trạng này, ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân do trong quý I/2015, thị trường thế giới có nhiều biến động, cân đối cung cầu có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá một số mặt hàng giảm sâu; đồng thời nguồn cầu của thế giới tương đối yếu do suy thoái kinh tế dẫn đến một số điều chỉnh ở các nước như giảm nhập nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đều gia tăng mặt hàng xuất khẩu như: Ấn Độ, Thái Lan về các mặt hàng thủy sản; Thái lan, Mi-an-ma, Cam-pu-chia về mặt hàng gạo,… Thêm vào đó, trình độ công nghệ trong các ngành nông, lâm, thủy sản nước ta vẫn còn nhiều khoảng cách so với thế giới; tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn dựa trên hộ cá thể; năng lực của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn yếu.

Bổ sung cho vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, do nguồn cung lớn hơn cầu, các nước có xu thế muốn tự cung cấp, giảm nhập khẩu; đồng thời, nền kinh tế phục hồi chậm, tỷ giá ngoại tệ ảnh hưởng không nhỏ đến các nước nhập khẩu. Trong nước, lượng cung liên tục tăng, có những mặt hàng sản lượng tăng nhưng chất lượng không tăng đều.

Bàn về mối liên kết “4 nhà” - nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước, ông Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu nông lâm thủy sản đã cho thấy rõ kết quả bước đầu về mối quan hệ này. Tuy nhiên, để tăng cường mối quan hệ này, rất cần đến công tác đánh giá kỹ hơn về vai trò của từng nhà, làm rõ hơn về công tác phối hợp,… nhằm tìm ra được những chính sách và xây dựng quy hoạch sản xuất hợp lý, tạo điều kiện cho các nhà cùng phối hợp thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để làm tốt công tác “4 nhà”, rất cần đến công tác hỗ trợ cho bà con nông dân về giống, kỹ thuật canh tác. Mặt khác đưa các doanh nghiệp vào tổ chức hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, trong đó nhà nước cần hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khâu hợp đồng với nông dân cũng như hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, khâu tiêu thụ từ thị trường nội địa cũng cần được đảm bảo với việc đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại, chợ nông sản, chợ đầu mối – điểm còn yếu do chúng ta thiếu kinh phí.

Cũng tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, trong quá trình hội nhập, cần nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, tính chuyên nghiệp cần bắt đầu từ người đưa ra chính sách, người ứng dụng và thực hiện chính sách.

Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp trong nước còn nhỏ lẻ, theo ông Nguyễn Trọng Thừa cần đánh giá đúng vai trò của thương lái và những người đi thu mua sản phẩm, trong đó cần có chính sách cho đối tượng này nhằm phát huy vai trò của khâu trung gian này trong quá trình tiêu thụ nông sản cho nông dân.../.

Nguồn: Theo ĐCSVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo