Đất Chín Rồng không chỉ là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước, một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, mà còn có tiềm năng kinh tế biển to lớn...
ĐBSCL là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp 3 mặt biển: Đông, Tây, Nam với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển quốc gia; với hơn 360 ngàn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế; gần 200 đảo và quần đảo, trong đó có đảo lớn nhất nước là Phú Quốc.
Đất Chín Rồng không chỉ là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước, một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, mà còn có tiềm năng kinh tế biển to lớn cần được đầu tư phát triển.
Thành tựu và thách thức từ nông nghiệp
Thành tựu 30 năm đổi mới, 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở ĐBSCL nổi bật là nông nghiệp. Đó là kỳ tích của hạt gạo, trái cây, thủy sản.
Chỉ sau 2 thập niên, sản lượng lúa của vùng đã được nhân lên gấp đôi, từ 9,48 triệu tấn năm 1990 lên 21,5 triệu tấn năm 2010, đến năm 2014 đã đạt hơn 25 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước, 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu.
Kỳ tích hạt gạo ĐBSCL đã đưa nước ta từ một nước thiếu đói vào những năm 1980, chỉ sau 2 năm đổi mới đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới và giữ vững ngôi vị á quân đến nay.
Sau cây lúa, ĐBSCL là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích, 58% sản lượng; riêng con tôm chiếm 80% sản lượng và đóng góp hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Cá tra tạo ra kỳ tích với khoảng hơn 5.000 ha mặt nước đã tạo ra khoảng 1,8 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Trong lĩnh vực sản xuất trái cây, ĐBSCL là vùng nguyên liệu lớn nhất nước, với khoảng 300.000ha, chiếm 38% diện tích, nhưng cung cấp tới 70% sản lượng. Nhiều loại trái cây đặc sản của vùng như bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… nổi tiếng thế giới.
Nhưng, từ nền kinh tế nông nghiệp số lượng chuyển sang giá trị và chất lượng đang là một thách thức lớn của vùng đất Chín Rồng cần được tập trung giải quyết. Hiện có đến 90% sản phẩm nông nghiệp được bán ở dạng thô và 60% còn bán với giá thấp. Việc tiếp cận thông tin thị trường của hầu hết nông dân còn rất hạn chế (chỉ có 25%).
Bên cạnh đó, ngành nuôi thủy sản tự phát đang “quá nóng”, thiếu đồng bộ; đầu tư cho phát triển chưa tương xứng; cơ sở hạ tầng yếu kém đang là thách thức cho phát triển thủy sản bền vững, đảm bảo môi trường.
Đối với nông dân ĐBSCL, với tư cách của người sản xuất hàng hóa, họ đang rất cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh, cần được đào tạo nghề nông nghiệp thực chất hơn là đào tạo nghề xã hội chung chung như cách làm vừa qua; đào tạo nghề phi nông nghiệp để tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn. |
Hiện vẫn còn nhiều tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ trái cây như chưa có quy hoạch cấp vùng và quốc gia; giống và quản lý giống còn nhiều bất cập; thách thức về lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; sự liên kết “4 nhà” chưa đáp ứng tốt yêu cầu một ngành hàng chủ lực của vùng.
Đó là cách thức giúp nông dân không chỉ đứng vững trên đồng ruộng mà còn có thể làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.
Ba thách thức kinh tế biển ĐBSCL
Thách thức đầu tiên trong phát triển kinh tế biển ĐBSCL cần được khắc phục đó là cách tiếp cận, tư duy phát triển kinh tế biển thời gian qua chủ yếu dựa vào “thói quen” của kinh tế nông nghiệp truyền thống.
Vì vậy, chưa giải quyết được căn cơ mối quan hệ giữa phát huy lợi thế bậc nhất về nông nghiệp (sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây) với kinh tế biển (vận tải biển, hậu cần logistic, du lịch biển, đảo, phát triển kinh tế biển để khai thác lợi thế và phục vụ nông nghiệp…).
Hai là, vấn đề qui hoạch, tổ chức không gian phát triển và đầu tư còn hạn chế. ĐBSCL là vùng giàu tiềm năng, nhưng nguồn lực đầu tư, đặc biệt là từ ngân sách và doanh nghiệp thấp, nội lực cho đầu tư phát triển thấp. Tài nguyên, nguồn lợi tự nhiên từ biển chủ yếu được “khai thác sẵn có”, nhiều rủi ro, trình độ thấp, hạ tầng yếu kém, thiếu liên kết vùng.
Ba là, thách thức trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng và yếu tố “cạnh tranh phát triển” ở biển Đông, biển Tây. Không gian phát triển mới, cách tiếp cận mới, khác căn bản cách tiếp cận phát triển kinh tế “đất liền”.
Kinh tế biển ĐBSCL cần được đầu tư, khai thác gắn với chiến lược kinh tế biển của nước ta để ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, trái cây mà còn là vùng mạnh về biển.
Chiến lược nào cho kinh tế biển xanh?
Yêu cầu đặt ra là làm sao giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng hiện đại, bền vững.
Phát triển kinh tế biển vùng ĐBSCL cần sự tiếp cận chuỗi - hệ thống tổng thể và thể chế, chính sách. Cần được tổ chức triển khai một cách đồng bộ, từ chất lượng và hiệu quả đầu tư, hợp tác quốc tế, vấn đề chủ quyền, đảm bảo quốc phòng – an ninh, tăng cường liên kết vùng, liên kết chính quyền, doanh nghiệp – thị trường…
Với nguồn lực có hạn, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm, lựa chọn điểm đột phá, khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán trong đầu tư phát triển kinh tế biển, gây lãng phí và kém hiệu quả... là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn cho kinh tế biển ở ĐBSCL bởi cho đến nay, vẫn chưa có gì đặc biệt thoát ra khỏi khung chính sách khuyến khích đầu tư chung.
Liên kết vùng là đòi hỏi cấp bách không chỉ trên đất liền mà cả trên biển và yêu cầu phát triển kinh tế biển xanh ở ĐBSCL. Liên kết vùng cần một cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn là sự “khuyến khích” hay các hình thức ký kết hợp tác chung chung giữa chính quyền các tỉnh với nhau thời gian qua.
Việc liên kết cần được tổ chức theo cơ chế, mô hình, có phân công, phân vai rõ ràng giữa các địa phương, từ đầu tư các công trình trọng điểm vùng như cảng biển, khu kinh tế ven biển, phát triển kinh tế biển, du lịch biển đảo đến kết nối các công trình đầu tư và phát triển kinh tế biển của các tỉnh, thành, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Để kinh tế biển ĐBSCL phát triển, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển đảo Phú Quốc trở thành “đặc khu kinh tế biển mang tầm cỡ quốc tế” như định hướng của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư “Tứ giác động lực” – Cần Thơ – Cà Mau – Kiên Giang – An Giang, gắn kết yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp với công nghiệp, kinh tế biển, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; có chú ý phát triển hài hòa hành lang ven biển và các đô thị ven biển trong vùng. Phát triển toàn diện ngành hải sản, thành tiểu vùng kinh tế hải sản trọng điểm của cả nước.
Xây dựng Cần Thơ thành trung tâm hậu cần logistic của vùng, Kiên Giang thành trung tâm nghề cá và dịch vụ lớn của cả nước. Ngoài ra, vấn đề xây dựng, hoàn thiện và vận hành cơ chế tổ chức liên kết vùng ĐBSCL trong qui hoạch đầu tư phát triển, liên kết các ngành kinh tế biển, liên kết thị trường hiệu quả cũng là một yêu cầu cấp bách…
Đây chính là bước chuyển dịch căn bản để vùng đất phù sa này vượt qua khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời nay để ĐBSCL có thể giàu lên từ biển.