Năm kinh doanh cà phê 2014-2015 đã đi được nửa đường, tính từ ngày 1-10 năm ngoái. Với chừng 3,5 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu cà phê năm trước - một con số quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung, thử nhìn lại nửa chặng đường ngành cà phê vừa đi qua năm nay.
Giá tốt nhưng lượng xuất khẩu giảm
Điều bất ngờ thú vị nhất trong niên vụ cà phê 2014-2015 này có lẽ là giá trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa tăng mạnh ngay ở đầu vụ (tháng 10-2014). Bấy giờ, có khi giá đóng cửa sàn robusta tại châu Âu tăng, gần chạm mức 2.200 đô la/tấn, đưa giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên lên trên 41 triệu đồng/tấn.
Sau đó, mức giá 40-41 triệu đồng/tấn được thử nhiều lần tại thị trường nội địa nhưng không kích được sức bán, có lúc rất gieo neo, như mới hồi giữa tháng 3-2015, giá chạm mức 35 triệu đồng/tấn, được xem là mức thấp nhất trong nửa đầu niên vụ này.
Mua bán nội địa ít sinh động và lượng xuất khẩu giảm. Ước báo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết tổng lượng xuất khẩu trong sáu tháng đầu niên vụ chỉ đạt gần 650.000 tấn, giảm đến 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lý do giảm có thể vì mất mùa, vì nhiều người tại các vùng nguyên liệu thấy giá đầu niên vụ cao nên đã mua trữ, nghĩ rằng giá sẽ tăng cao hơn khi về cuối vụ, đặc biệt là với tin đồn các vùng cà phê Brazil bị khô hạn có thể gây thiếu hụt cà phê trên toàn thế giới trong năm nay và năm tới.
Cũng phải nói rằng sau nhiều năm cà phê liên tục được giá (tính từ cuối năm 2010 đến nay), nông dân trồng cà phê khá giả dần và có khả năng cầm cự, giữ hàng không bán ồ ạt để tạo sức ép bán ra như nhiều năm trước đây. Trong khi đó, các đại lý thu mua và xuất khẩu ở thị trường nội địa thì yếu dần do buôn bán quá rủi ro vì thiếu công cụ bảo vệ giá trước các cơn bão tài chính - tiền tệ, kể cả việc vốn liếng eo hẹp do thua lỗ liên miên và ngân hàng siết chặt tín dụng.
Tuy nhiên, một điều đáng khích lệ nhất là giá xuất khẩu qua lan can tàu (FOB) thường cao hơn giá niêm yết của sàn kỳ hạn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giá xuất khẩu bình quân của cà phê nước ta trong hai tháng đầu năm 2015 cao hơn 150 đô la/tấn so với giá bình quân cùng kỳ của sàn kỳ hạn.
Giá thế giới: đà chung yếu
Đến nay, có thể nói rằng đợt giá phóng mạnh trên các sàn kỳ hạn cà phê và thị trường nội địa trong tháng 10-2014 chính là đỉnh của nửa đầu năm kinh doanh cà phê 2014-2015. Bấy giờ, khi có thêm tin đồn mưa về trễ trên các vùng cà phê Brazil, thị trường dấy lên quan ngại thiếu hụt cà phê trên thế giới.
Những ai đầu tư trên các sàn kỳ hạn cà phê năm 2014 thu lời lớn nhờ hưởng lợi suất rất tốt, như với sàn arabica cả năm tăng trên 50%, sàn cà phê Brazil tăng 42% và sàn robusta tăng gần 13%.
Tuy nhiên, so sánh với giá cuối niên vụ cũ ngày 30-9-2014, bấy giờ giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta đạt 2.177 đô la/tấn và arabica tương đương gần 4.950 đô la/tấn, đến sáng ngày 30-3-2015, giá trên sàn này chỉ còn 1.763 đô la/tấn và 3.050 đô la/tấn (sàn ở Mỹ). Qua sáu tháng, giá kỳ hạn robusta mất 414 đô la/tấn và arabica giảm mất 1.900 đô la/tấn.
Song, không chỉ riêng cà phê, nhiều loại hàng hóa khác chịu chung số phận, trong đó có cả ca cao, bắp, vàng, bạc, đặc biệt là dầu thô.
Giới đầu tư tài chính nói gì về cà phê?
Một điều đáng suy nghĩ là cứ mỗi khi đưa tin khô hạn, giá tăng nhanh rồi lại xuống sâu thêm một nấc so với mức giá trước. Hình như ai đó đã “bắn tin” để tranh thủ bán ra các hợp đồng đã mua khống trên các sàn kỳ hạn nhằm rút cược và kéo vốn về. Nên, đối với các nhà kinh doanh chuyên nghiệp trên thế giới, người ta hiểu giá chỉ là cái xảy ra sau.
Thật vậy, nhìn vào lượng hợp đồng cà phê mua bán khống trên thị trường phái sinh, giá rớt là phải, vì vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính giảm liên tục và nhanh chóng. Vào ngày cuối vụ trước 30-9-2014, các quỹ đầu tư lớn bấy giờ còn ở vị thế mua khống trên cả hai sàn: sàn arabica ở Mỹ với 39.158 hợp đồng tương đương với 666.000 tấn và sàn robusta ở châu Âu với 223.730 tấn. Thời giá là 3,3 tỷ cho arabica và 487 triệu đô la Mỹ cho robusta. Như vậy, tổng giá trị bấy giờ lên đến gần 3,8 tỷ đô la Mỹ. Đến cuối tháng 3-2015, theo con số báo cáo nhận được, sàn ở Mỹ đã không còn hợp đồng mua khống mà chuyển sang bán khống với lượng 142.783 tấn có giá trị âm và sàn robusta châu Âu vẫn còn 115.720 tấn mua khống với giá trị chỉ nhỉnh trên 200 triệu đô la Mỹ.
Giá cà phê yếu hoàn yếu nếu...
Chẳng phải đoán già đoán non, suy nghĩ mệt trí, giá cà phê rớt là phải! Tuy nhiên, nhiều người trên thị trường vẫn còn tin vào một sự thay đổi thần kỳ về giá do hạn hán tại Brazil đem lại. Họ có quyền tin vì người ta vẫn đồn đại sẽ thiếu hàng cho năm nay và năm sau do hạn hán ở nước sản xuất đứng đầu thế giới. Tùy theo cách nhìn của mỗi người, con số ước đoán hàng thiếu hụt có thể từ 4-12 triệu bao.
Nhưng mới đây, giới đầu tư hàng hóa như Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng trong quí 3-2015, tính trên mặt bằng hiện nay, giá arabica sẽ rớt thêm 30 cts/lb, trong khi đó, Société Générale (Pháp) ước giá đứng ở mức 153 cts/lb. Chênh lệch giữa hai dự báo là rất lớn, chừng 40 cts/lb hay gần 900 đô la/tấn.
Suy cho cùng, giá cà phê sắp tới vẫn yếu nếu nhìn vào vị thế của giới đầu tư tài chính, nếu họ tiếp tục giảm vị thế mua khống tăng cường bán khống, nếu không có những đột biến thực sự về cung-cầu để xoay chiều từ bán ra sang mua vào trên sàn kỳ hạn.