Cần tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Trong quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước giảm so với quý I/2014, hơn 13%, trong khi Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, càng tạo áp lực về mặt cạnh tranh. Liên quan đến vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Công Thắng đã có cuộc trao đổi với báo chí.
PV: Thưa ông, quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm so với quý I/2014 tới 13,2% - mức sụt giảm đáng kể. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về con số này?
Ông Trần Công Thắng: Mặc dù xu hướng chung trong xuất khẩu quí I hàng năm thường chững lại do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, tuy nhiên nếu so sánh với năm ngoái có thể thấy mức sụt giảm của năm nay lớn hơn hẳn. Trong quý I năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 500 triệu USD; cà phê đạt 741 triệu USD, thủy sản đạt 1,36 tỷ USD, đồ gỗ đạt 1,52 tỷ USD. Nếu so cùng thời điểm năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay, các mặt hàng chủ lực giảm mạnh như: gạo giảm 23%, cà phê giảm 37%, thủy sản giảm 15%, cao su giảm nhẹ 4,3%. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên với mức sụt giảm mạnh thế này thì đây là vấn đề đáng lo ngại.
PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng sụt giảm trên?
Ông Trần Công Thắng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả không không khả quan trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I năm nay. Thứ nhất, do nhu cầu nhập khẩu từ các khu vực thị trường tiêu thụ lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, các nước ASEAN, Trung Quốc đều có xu hướng chững lại và giảm so với năm ngoái. Thứ hai, do sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu ngày càng mạnh; các nước không ngừng tăng năng suất, hạ giá bán hoặc cải tiến chất lượng để có thể cạnh tranh, điều này làm cho thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì trong nội tại nước ta, khả năng cạnh tranh cả về giá thành và chất lượng của Việt Nam thụt lùi so với các nước xuất khẩu khác, trong khi công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng này do Việt Nam vẫn chưa bứt lên khỏi tình trạng sản xuất manh mún, với quy mô hộ sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán và chất lượng hàng xuất khẩu còn hạn chế. Chúng ta đã tiến sâu vào một số thị trường chất lượng cao nhưng số lượng vẫn còn ít; phần lớn vẫn là xuất ở các thị trường dễ tính. Do những yếu kém từ khâu đầu vào đến thu hoạch, sau chế biến nên chất lượng nông sản chưa cao và chưa đồng đều, tỷ lệ thất thoát cao.
Trong khi sản xuất còn nhiều khó khăn, hạn chế thì công tác xúc tiến thương mại, nhất là thúc đẩy xuất khẩu còn chưa thực hiện được vai trò định hướng thị trường cho sản xuất. Đó là chưa kể đến hạ tầng phục vụ thương mại lúa gạo yếu; một số chính sách phát triển nông nghiệp chưa đi vào thực tế hoặc bị vận dụng không phù hợp tại một số địa phương. Công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường còn hạn chế, sự tập trung vào một số thị trường gây ra những rủi ro nhất định.
Bên cạnh đó, do thiếu sự đầu tư của các doanh nghiệp vào ngành nông nghiệp, hoạt động chế biến sâu còn kém phát triển, dịch vụ hậu cần không đáp ứng yêu cầu, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị của hầu hết các ngành nông sản còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả, thiếu động lực, thiếu chế tài; phân phối lợi nhuận, rủi ro giữa các tác nhân không công bằng.
PV: Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn, theo ông điều này sẽ tác động như thế nào đến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới?
Ông Trần Công Thắng: Việc hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế, cụ thể là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ mang lại cả những thuận lợi và thách thức cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có nhiều những kịch bản khác nhau, thậm chí là đối lập.
Nếu tận dụng tốt được các lợi thế từ các FTAs và TPP, đồng thời cải thiện được năng lực cạnh tranh cả về giá thành và chất lượng một cách bền vững, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ có những bứt phá mạnh. Tiêu biểu, khi tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam sẽ có lợi thế đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như gạo, cà phê, thủy sản, cao su, sản phẩm gỗ do thuế xuất các mặt hàng này vào các thị trường các nước tham gia TPP giảm. Ngoài ra, việc tham gia các FTAs và TPP kỳ vọng thu hút đầu tư tài chính, kỹ thuật, công nghệ lớn, năng động và tiến bộ nhất thế giới, thiết lập nguồn vốn đầu tư quan trọng cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới. Về dài hạn, việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay nước ngoài.
Ngược lại, nếu không có những điều chỉnh, đổi mới, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ không cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm và tụt hậu là điều không thể tránh khỏi, bởi Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa của các nước thành viên khác, tạo áp lực cạnh tranh mạnh cho sản xuất trong nước.
PV: Vậy theo ông, trong thời gian tới, cần có những giải pháp thiết thực nào nhằm đảm bảo ổn định xuất khẩu cho ngành nông, lâm, thủy sản?
Ông Trần Công Thắng: Trong thời gian tới, các nhóm giải pháp chính được đưa ra gồm: thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, chuyển dần sang phát triển dựa trên nâng cao giá trị chất lượng. Thứ hai, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tổ chức xây dựng lực lượng tham gia các tổ chức, liên minh quốc tế; đồng thời tiến hành cải cách thể chế và tăng cường năng lực hội nhập của bộ máy quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cơ chế chính sách thích hợp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật trong quá trình hội nhập.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.