Hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm”: Hàng loạt hợp đồng, ghi nhớ được ký kết
11:31 - 04/05/2015
Trong bối cảnh nông sản nhiều nơi trong cả nước đang gặp khủng hoảng “được mùa mất giá” trầm trọng như dưa hấu, hành tím, hành tây với sự lúng túng của cả cơ quan quản lý lẫn nông dân, từ ngày 26.4 đến 2.5, tại Quảng Ninh, “nhà nước” và “nhà nông” đã chủ động tổ chức Hội chợ “Mỗi xã phường, một sản phẩm” 2015 để kết nối nông sản với thị trường tiêu thụ.

Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tất Thắng– Phó ban chuyên trách Ban điều hành Chương trình “Mỗi xã phường, một sản phẩm” (OCOP) Quảng Ninh về kết quả và ý nghĩa của hoạt động này.

Kết quả có thể đo đếm được từ Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2015 này có gì nổi bật, thưa ông?

- Một trong những kết quả nổi bật nhất của hội chợ là đã thu hút được 188 gian hàng tham gia, trong đó có 100 gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Ninh (đạt 100% kế hoạch đề ra) với đủ 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP (thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ). Những gian hàng còn lại đến từ 13 tỉnh thành khu vực phía Bắc tham gia hội chợ với 54 gian hàng và 34 gian hàng thương mại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (thứ 2 từ trái sang) tham dự hoạt động của hội chợ. Ảnh: HS

 

Và điều đáng lưu ý là trong số 75 đơn vị tham gia hội chợ có 37 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã, 19 hiệp hội, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất trong tỉnh Quảng Ninh, với 120 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP. Tổng doanh thu bán hàng sau 3 ngày hội chợ đạt 3,587 tỷ đồng. Trong tổng số 3,587 tỷ đồng, các gian hàng của huyện Ba Chẽ đạt cao nhất với doanh số 560 triệu đồng, do được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự vào cuộc rất tích cực từ phía lãnh đạo huyện cũng như doanh nghiệp và nông dân. Hầu hết các huyện khác đạt doanh số từ 100-400 triệu đồng. Chỉ có Cẩm Phả và Cô Tô đạt thấp với lần lượt là 42 và 50 triệu đồng.

 

Những kết quả mà ông vừa nêu, với quy mô của một hội chợ nông sản có vượt ra ngoài phạm vi 1 tỉnh, theo đánh giá của ông là cao hay thấp?

- Xét về giá trị tuyệt đối, con số 3,587 tỷ đồng (thống kê sơ bộ từ 85% lượng hàng giao dịch của hội chợ) chưa phải là lớn. Nhưng với ý nghĩa thúc đẩy thành lập các tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị; quảng bá, giới thiệu và kết nối cung – cầu đối với các mặt hàng OCOP, không chỉ đối với thị trường Quảng Ninh, mà mở rộng ra thị trường khu vực miền Bắc, thì kết quả này rất đáng khích lệ. Nhìn trên bình diện tổng thể, những kết quả đạt được từ hội chợ này không chỉ dừng lại ở con số tuyệt đối nêu trên.

Ví dụ, ngay trong hội chợ, đã có nhiều hợp đồng, hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các địa phương với các doanh nghiệp, nhà hàng tại TP.Hạ Long được ký kết. Và những hợp tác như vậy tiếp tục được xác lập sau khi hội chợ kết thúc… Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn những hợp tác như vậy, và điều này đang diễn ra đúng hướng và đúng mong đợi của Ban tổ chức (BTC) hội chợ, cũng như của Ban điều hành chương trình OCOP Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị ra sao hội chợ này, thưa ông?

- Công tác tham mưu xây dựng kế hoạch đã được Quảng Ninh chuẩn bị từ khá sớm: Sở Công Thương Quảng Ninh và Thường trực Ban điều hành OCOP (Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh) đã lập kế hoạch từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, và tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai từ đầu tháng 3.2015.

Ngay sau khi kế hoạch tổ chức hội chợ, quyết định thành lập BTC hội chợ được ban hành, Thường trực BTC hội chợ (Sở Công Thương và Ban xây dựng nông thôn mới) tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh họp chỉ đạo, triển khai tới các ngành, các địa phương. BTC hội chợ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện ở các khâu, các bộ phận.

UBND tỉnh họp 2 cuộc, BTC hội chợ họp 2 cuộc phân công nhiệm vụ, Thường trực Ban điều hành OCOP và lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở NNPTNT) làm việc 9 buổi để họp bàn, triển khai và thống nhất về các phương án thiết kế, maket, bố trí, trang trí gian hàng, nội dung tọa đàm, kinh phí tổ chức, tổng hợp tình hình...

Thu hút thành công 188 gian hàng từ các huyện và 11 tỉnh thành khác tham gia, Quảng Ninh đã có những giải pháp cụ thể nào?

- Để có kết quả đó, Thường trực Ban điều hành OCOP tỉnh Quảng Ninh (Ban xây dựng nông thôn mới) đã trực tiếp và chủ động chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tiến độ sản xuất các sản phẩm OCOP ở các địa phương, đồng thời tổ chức 2 đoàn công tác nắm tình hình và thực hiện chiêu thương tại 14 huyện thị xã thành phố trong tỉnh. Với một vài địa phương thiếu tích cực, chưa bố trí lịch làm việc với đoàn công tác. BTC đôn đốc qua điện thoại, thư điện tử.

Đây là hội chợ có sự tham gia chủ động của 3 nhà (nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông), trong đó nổi bật là vai trò tổ chức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Như tôi đã chia sẻ ở trên, kế hoạch và quyết định tổ chức hội chợ do UBND tỉnh ban hành, có văn bản chỉ đạo, giao việc, có kiểm tra tiến độ thực hiện nghiêm túc. Tôi xin nêu ra một vài con số để thấy sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý: Trong tổng số 227 nhân sự phục vụ hội chợ này, có 92 cán bộ công chức khối quản lý nhà nước (sở ngành cấp tỉnh: 39 người, cán bộ địa phương: 53 người. Doanh nhân và người lao động có 135 người đến từ 75 doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất. Con số này chưa tính lực lượng an ninh và phòng cháy chữa cháy tại hội chợ.

Trong thời gian tới, các hoạt động xúc tiến thương mại đối với nông sản trong chương trình OCOP sẽ được Quảng Ninh thực hiện như thế nào?

- Việc tiếp theo ngay sau đây là tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức rút kinh nghiệm việc tham gia hội chợ OCOP (tháng 5.2015). Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai chương trình OCOP sâu rộng và tuân thủ theo đúng chu trình OCOP mà tỉnh đã ban hành, trong đó, tập trung sâu cho khâu nâng cao chất lượng các tổ chức kinh tế đã được thành lập và tái cấu trúc các đơn vị mới tham gia chương trình OCOP. Các sản phẩm đã tham gia hội chợ lần này sẽ được tái cấu trúc và đa đạng hóa ở khâu quy trình sản xuất và kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm.

Các địa phương cũng sẽ được tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thành đầu tư các trung tâm, điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm hàng hóa trong nước và khu vực để đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Quảng Ninh cũng sẽ nghiên cứu việc triển khai chợ phiên OCOP tại các siêu thị, chợ lớn trên địa bàn các thành phố trong tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

 

Ông Ngô Tất Thắng – Phó ban chuyên trách Chương trình OCOP Quảng Ninh: Kết quả không dừng ở 3,5 tỷ đồng

 “Nhìn trên bình diện tổng thể, những kết quả đạt được từ hội chợ này không chỉ dừng lại ở con số tuyệt đối hơn 3,5 tỷ đồng nêu trên. Ngay trong và sau khi kết thúc hội chợ, đã có nhiều hợp đồng, hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các địa phương với các doanh nghiệp, nhà hàng tại TP.Hạ Long được ký kết như: HTX Mật ong Thống Nhất (huyện Hoành Bồ) đã kết nối với Công ty CP Dược và Thiết bị y tế Quảng Ninh về cung cấp mật ong nguyên liệu. Cửa hàng Phú Gia (huyện Tiên Yên) cung cấp bánh gật gù, khâu nhục cho nhà hàng Lan Hương (Cọc 5, TP.Hạ Long). Công ty Ngọc Khánh VT cung cấp ghẹ thương phẩm cho nhà hàng Hoàng Quân (Bãi Cháy)…”.

Hoàng Sơn (thực hiện)

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo