Về Lý Sơn những ngày cuối tháng 4, cái nắng oi bức mặn mòi nơi biển cả như dịu đi bởi những ruộng hành tươi xanh ngút ngàn bám dọc các ngôi làng thuộc các xã An Vĩnh, An Hải. Bên ruộng hành của gia đình, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Út, thôn Ðông, xã An Hải cẩn thận dùng vòi nước tưới cho từng đám hành đang độ đẻ nhánh. Chị Út chia sẻ, với ba sào ruộng, mỗi năm chị trồng một vụ tỏi từ tháng 9, tháng10 và thu hoạch vào tháng 2, tháng 3 năm sau để trồng hành. Xen giữa hai vụ hành, tỏi là một vụ ngô. Tính ra, mỗi năm gia đình chị cũng thu được khoảng 60 triệu đồng từ hành, tỏi. Số tiền ấy cộng với tiền công làm thuê ngoài bến cảng của chồng chị cũng đủ để xây dựng một ngôi nhà khang trang và nuôi bốn đứa con ăn học đầy đủ.
Trồng hành, tỏi ở Lý Sơn cũng lắm công phu, bởi người dân phải dùng lớp cát trắng mịn màng khai thác ngoài biển phủ lên mặt ruộng phẳng phiu để trồng. Chính lớp cát trắng này đã tạo nên hương vị thơm ngon riêng biệt cho hành, tỏi Lý Sơn. Theo Bí thư Ðảng ủy xã An Vĩnh Lê Văn (Lý Sơn), điều đáng mừng là hiện nay hầu hết số hộ trồng tỏi đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhất là từ tháng 9-2014, khi Lý Sơn được hòa lưới điện quốc gia, đến nay các hộ trồng hành, tỏi đều sử dụng máy bơm để lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động khắp mặt ruộng, giảm chi phí lao động. Theo thống kê của huyện Lý Sơn, diện tích trồng hành, tỏi của địa phương hiện nay khoảng hơn 300 ha/vụ. Năm 2014, do thời tiết diễn biến thuận lợi cho nên diện tích và năng suất hành, tỏi đều tăng. Trong đó năng suất tỏi đạt 65,5 tạ/ha, tăng 4,6 tạ/ha và năng suất hành đạt 109,25 tạ/ha, tăng 2,25 tạ/ha, góp phần đưa giá trị trồng trọt của huyện đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Riêng trong quý I-2015, sản lượng tỏi thu hoạch của toàn huyện đạt hơn 2.600 tấn, tăng 18,09% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, tỏi khô Lý Sơn được bán với giá 50 - 55 nghìn đồng/kg, riêng tỏi cô đơn (một nhánh) có giá từ 1 triệu đến 1,1 triệu đồng/kg. Có thể nói, hành, tỏi là những cây trồng lợi thế mang lại thu nhập ổn định cho người dân Lý Sơn. Bình quân thu nhập đầu người toàn huyện đạt hơn 18 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, nghề trồng hành, tỏi ở Lý Sơn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn cát trắng và nước ngọt. Người dân phải mua cát trắng với giá hơn 100 nghìn đồng/m3 và nước ngọt tưới cây là hơn 20 nghìn đồng/m3. Ðiều này khiến cho chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm. Thêm vào đó, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm hành, tỏi nhái thương hiệu Lý Sơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân trên huyện đảo.
Ngoài hành, tỏi, ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn là khai thác thủy hải sản. Những năm qua, nhiều ngư dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại, trang thiết bị an toàn để vươn khơi đánh bắt dài ngày. Hiện nay, toàn huyện có 409 tàu thuyền với tổng công suất 55 nghìn CV. Năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản của huyện đạt gần 40 nghìn tấn, tăng 6,05% so với năm 2013. Trong quý I-2015, sản lượng khai thác hải sản toàn huyện đạt 8.212 tấn, tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài khai thác, nghề nuôi trồng thủy sản cũng phát triển. Riêng trong quý I-2015, người dân Lý Sơn đã đầu tư thêm khoảng 35 bè nuôi tôm hùm, nâng tổng số bè nuôi tôm hùm lồng đến nay lên hơn 50 bè với số lượng nuôi hơn 80 nghìn con, hiện đang phát triển tốt. Ngoài ra, huyện còn triển khai thực hiện mô hình thí điểm nuôi cá mú lồng thương phẩm thực hiện trên hai hộ với số lượng 1.400 con. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Tài Luân, việc phát triển lĩnh vực thủy sản trên huyện đảo còn gặp rất nhiều khó khăn. Tàu thuyền ngư dân đi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thường xuyên bị tàu nước ngoài ngăn cản. Trong khi đó, dịch vụ hậu cần nghề cá và các cơ sở chế biến hải sản chưa được đầu tư phát triển, công tác triển khai quy hoạch nuôi trồng thủy sản thực hiện chậm.
Muốn đánh bắt xa bờ đòi hỏi người dân phải có vốn đóng tàu công suất lớn. Ðể tiếp sức cho ngư dân, Chính phủ đã có Nghị định 67/2014/NÐ-CP ngày 7-7-2014 về chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai, đến nay huyện Lý Sơn mới được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt hỗ trợ năm chiếc tàu vỏ thép với công suất từ 500 đến 1.900 CV. Huyện đang tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt thêm 15 chiếc với công suất 400 CV trở lên, trong đó có một chiếc tàu vỏ thép và 14 chiếc tàu vỏ gỗ. Bởi vậy, theo đồng chí Nguyễn Tài Luân, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi bám biển. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần có sự tiếp sức của các tổ chức, doanh nghiệp để chung tay xây dựng biển, đảo quê hương giàu mạnh, thật sự trở thành điểm tựa vững chắc để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.