Hàng nghìn nông dân Quảng Ngãi đang thu gom cành, lá quế bán cho nhà máy chế biến tinh dầu xuất khẩu, thay vì đốt bỏ như những vụ trước.
Giá thu mua được Công ty cổ phần Tinh dầu quế Quảng Ngãi áp dụng là 3.000 đồng một kg. Từ tháng sau, công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tinh dầu.
Các huyện vùng cao Trà Bồng và Tây Trà những ngày này cành, lá quế được phơi phủ dày hai bên đường. Chỉ tay về phía rừng quế cổ thụ bạt ngàn, ông Hồ Văn Lâm (ngụ xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) hồ hởi nói, chưa bao giờ người trồng quế có niềm vui lớn như năm nay. Bà con không chỉ vui vì giá vỏ quế khô lên đến 35.000 đồng một kg, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái mà còn phấn khởi vì doanh nghiệp thu mua cả cành, lá quế.
"Ngoài khoản tiền 30 triệu đồng thu hoạch từ vỏ quế khô, gia đình tôi còn gom bán cho nhà máy khoảng 5 tấn cành, lá quế kiếm thêm 12 triệu đồng", ông Lâm nói.
Theo người dân địa phương, sau mỗi vụ thu hoạch, thông thường người dân đốt bỏ cành, lá quế hoặc bán số ít với giá rẻ cho các cơ sở xay thành bột để làm nhang. Năm nay là lần đầu tiên họ bán cành, lá quế cho doanh nghiệp với số lượng lớn để chế biến tinh dầu xuất khẩu.
Anh Hồ Văn Ba (ngụ xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà) bộc bạch, mùa thu hoạch năm nay nhờ giá quế cao hơn năm ngoái gần gấp đôi nên người dân có thu nhập cao, chi tiêu gia đình được thoải mái hơn. "Riêng vườn quế của gia đình thu hoạch bán cho thương lái thu về 25 triệu đồng. Ngoài ra, tôi thu gom cành, lá quế được hơn 4 tấn kiếm thêm hơn 10 triệu đồng", anh Ba thổ lộ.
Khác với các loại cây nguyên liệu khác, thời gian thu hoạch quế khá lâu, kéo dài tới 40 năm. Một cây cho khoảng 10 kg vỏ quế khô một vụ. Mỗi hộ đồng bào ở hai địa phương này trồng trong vườn, đất rẫy từ vài trăm đến hàng chục nghìn cây quế. Thời điểm quế mang lại lượng tinh dầu cao nhất vào mùa nắng trong năm, từ cuối tháng 3 đến tháng 6.
Tháng 6/2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận thương hiệu quế Trà Bồng và Tây Trà. Thống kê của hai huyện này hiện có khoảng hơn 7.000 ha quế. Riêng huyện Trà Bồng, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng hơn 1.000 tấn, với giá thị trường hiện nay 35.000 đồng vỏ khô và gần 3.000 đồng một kg cành, lá quế thì mỗi năm doanh thu của nông dân huyện này lên đến hàng chục tỷ đồng.
|
Các chuyên gia kinh tế ước tính, hàng năm ở huyện Trà Bồng và Tây Trà có khoảng 50.000 tấn cành, lá quế bị bỏ đi sau mùa thu hoạch vỏ gây lãng phí lớn và dễ gây bạc màu cho đất.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho hay, việc nhà máy chế biến tinh dầu xuất khẩu xây dựng ngay sát vùng nguyên liệu là cơ hội giúp bà con nơi đây thoát nghèo bền vững. Cứ mỗi cây quế 3 năm tuổi, hàng năm người dân nơi đây có thể tỉa cành, lá được khoảng 20kg. Ở địa phương, nhà nào cũng trồng quế, nhà ít nhất có vài trăm cây và nhiều nhất lên đến hàng chục nghìn cây quế lâu năm trên vườn đồi, nương rẫy thì nguồn thu nhập từ việc tỉa bán cành, lá cho nhà máy chắc chắn mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
"Đồng bào nơi đây ví cây quế là 'kho gạo' giữa rừng, ngoài khoản thu nhập từ vỏ quế khô, giờ họ bán thêm cành, lá quế cho nhà máy chế biến tinh dầu xuất khẩu hứa hẹn sẽ đổi đời nhanh chóng", ông Bắc nói.
Theo kế hoạch, tháng 5 tới, nhà máy chế biến tinh dầu quế ở thị trấn Trà Xuân, huyện vùng cao Trà Bồng sẽ đi vào hoạt động có công suất 80 tấn mỗi năm. Sản phẩm tinh dầu xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ...
"Chúng tôi đang có nhu cầu thu mua hàng trăm tấn cành, lá quế dự trữ của bà con nông dân để nhà máy hoạt động ổn định. Giá thu mua tại nhà máy gần 3.000 đồng một kg (cành, lá quế khô 80%). Hiện, nhu cầu của chúng tôi rất lớn nên bà con không phải lo về đầu ra", ông Nguyễn Khắc Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tinh dầu quế Quảng Ngãi cho hay.