Mặc dù có hợp đồng liên kết (HĐLK) sản xuất tiêu thụ hẳn hoi nhưng nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp lại lật lọng “bẻ kèo” nông dân khiến gần 1.000ha lúa của nhà nông không có đầu ra.
Đổ lỗi cho nông dân
Từ khi thí điểm thực hiện HĐLK trong sản xuất tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân (ND) ở Đồng Tháp (cuối 2011) đến nay, chưa năm nào HĐLK được thực hiện suôn sẻ. Diện tích lúa trong diện HĐLK cũng liên tục biến động. Những năm đầu thực hiện, diện tích tăng nhanh, đến đầu 2013 đạt đến đỉnh điểm là 68.000ha có HĐLK. Tuy nhiên, theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, sau đó không lâu thì con số này giảm nhanh do xuất khẩu gạo gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp không thực hiện HĐLK với ND.
Trong năm 2015, đã có 19 doanh nghiệp ký HĐLK với các hợp tác xã (HTX) ở Đồng Tháp và ND. Trong số này, vẫn còn 7 doanh nghiệp không thực hiện HĐLK với ND trên tổng diện tích gần 1.000ha, tức có khoảng 10.000 tấn lúa không được mua theo hợp đồng. Lý do mà doanh nghiệp “bẻ kèo” đưa ra thì muôn hình vạn trạng. Phổ biến trong những năm trước đây là “chất lượng lúa không đạt”. Riêng năm nay, hầu hết các doanh nghiệp “bẻ kèo” đẩy phần lỗi về phía ND khi cho rằng ND không chờ họ mua mà nóng lòng bán trước.Lão nông Ngô Văn Chính, ở ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, là người vừa bị Công ty cổ phần Hiệp Lợi – TP.Cần Thơ “bẻ kèo” không mua lúa theo HĐLK trong vụ đông xuân vừa rồi vẫn còn ấm ức cho biết: “Tôi nằm ruộng ngủ giữ 3 đêm mà chẳng thấy mặt mũi người của công ty đâu. Họ viện dẫn lý do là không có đủ phương tiện, bảo phải chờ. Lúa chín ngoài đồng mà chờ thì chờ đến bao giờ, sốt cả ruột gan nên 7 tấn lúa tôi phải bán cho bên ngoài giá 4.350 đồng/kg, thấp hơn giá trong HĐLK với công ty là 50 đồng/kg. Lỗi là họ sai hẹn chứ đâu phải tôi”.
Nhiều ND khác ở xã Long Thắng cũng bị “bẻ kèo” như ông Chính cũng bằng “chiêu thức” hẹn kéo dài ngày hơn so với HĐLK đã ký. Ông Lê Văn Dự - Giám đốc HTX Nông nghiệp số 2 xã Long Thắng cho hay, vụ đông xuân năm nay, ông đại diện cho 27 thành viên HTX của mình ký HĐLK với Công ty cổ phần Hiệp Lợi trên tổng diện tích hơn 200ha (tương đương sản lượng gần 2.000 tấn). Tuy nhiên, cuối cùng doanh nghiệp này cũng chỉ thực hiện mua theo HĐLK được chưa tới 400 tấn. “Thật sự lỗi là ở doanh nghiệp vì họ không đúng hẹn, ND phải bán cho nơi khác chứ không thể chờ. Và đương nhiên ND phải bán thấp hơn trung bình 50 đồng/kg so với giá ký trong HĐLK” – ông Dự cho biết thêm.
Huề cả làng
Quan điểm
Sở Công Thương thường xuyên hướng dẫn các HTX và ND tham gia HĐLK cũng như nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung quyết định này vì nó không có biện pháp chế tài ràng buộc cụ thể.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Tháp, HĐLK khi bị “bẻ kèo” thường là từ doanh nghiệp gặp khó khăn ở đầu ra. “Chúng ta cần cảm thông cho doanh nghiệp, họ không thực hiện HĐLK chỉ khi họ đã đuối lắm, không còn lối thoát nên mới vậy, chung quy cũng là vì xuất khẩu gạo gặp khó khăn”– ông Sa lý giải.
Ông Trần Văn Liêm - Chủ tịch Hội ND xã Long Thắng cho rằng: “ND trong xã trước giờ khi bị doanh nghiệp “bẻ kèo” thì cũng chỉ biết cách duy nhất là bán cho người khác thôi. Mặc dù biết đã bị vi phạm HĐLK nhưng ND có ai kiện đâu, họ cũng chẳng biết kiện ở đâu, cuối cùng thì huề cả làng”. Về vấn đề này, ông Sa cũng thừa nhận: “Từ trước đến nay có nhiều doanh nghiệp vi phạm HĐLK đã ký nhưng chưa có ND nào kiện tụng. Sở Công Thương cũng chưa xử phạt DN nào vi phạm HĐLK, ND không được mua lúa theo HĐLK thì bán cho người khác, vậy là huề”.