Doanh nghiệp nông nghiệp được gỡ khó!
20:11 - 17/03/2015
Có một tín hiệu đáng mừng trong thời gian gần đây là nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai dự án đầu tư vào nông nghiệp như VinGroup, FPT hay Viettel,… Điều này sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của ngành nhưng nếu không kịp thời gỡ bỏ những vướng mắc về cơ chế, chính sách thì sẽ có rất nhiều lợi thế không được khai thác một cách hiệu quả.

Những doanh nghiệp công nghệ cao như Rừng hoa Đà Lạt chưa được hưởng nhiều ưu đãi.

Trăm thứ khó                                                                                            

Công ty cổ phần Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, có trụ sở tại 7A/1 Mai Anh Đào, phường 8, TP.Đà Lạt là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa lớn nhất hiện nay ở Lâm Đồng. Được thành lập năm 2003, đến nay, công ty đã có 600 giống hoa và cây cảnh xuất khẩu, thị trường mở rộng từ Bỉ, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... và cả Hà Lan, đất nước được mệnh danh là “vương quốc hoa”. Năm 2013, công ty xuất khẩu hơn 10 triệu cây giống thu về gần 2 triệu USD và theo hợp đồng đã ký kết với các nước thì năm 2015 doanh thu xuất khẩu giống hoa của công ty sẽ đạt 6 triệu USD.

Để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty đã đầu tư 2 phòng lab rộng 5.000m2 cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, sản xuất theo quy mô công nghiệp với công suất 24 triệu cây giống/năm; hệ thống vườn ươm diện tích 0,5ha, sản xuất 400.000 cây con/tháng. Trong đó có khu nhà kính 5.000 m2  theo công nghệ châu Âu. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của công ty hiện có gần 500 người, trong đó có 170 kỹ sư chuyên ngành công nghệ sinh học. Rừng hoa Đà Lạt cũng là một trong 3 công ty đầu tiên của cả nước được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.



Nhưng dù đã có được tấm giấy chứng nhận này thì Rừng hoa Đà Lạt vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong khâu nhập khẩu giống, vay vốn tín dụng hay thuế suất thuế nhập khẩu thiết bị nhà kính. Ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc công ty cho biết: “Thực tế, khâu nhập khẩu giống hoa, cây cảnh không nằm ở phía đối tác cung cấp mà lại nghẽn ở khâu kiểm dịch thực vật của chúng ta. Thời gian kiểm dịch kéo dài, nhiều thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp mệt mỏi vì chờ đợi, có khi mất cả một mùa vụ. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời làm mất đi cơ hội tiếp cận thị trường”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác được ưu tiên đủ thứ thì những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như ông vẫn phải chịu “một cổ mấy tròng”. Dù theo quy định, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế,… nhưng đến nay, Rừng hoa Đà Lạt vẫn phải chịu thuế nhập khẩu thiết bị nhà kính lên đến 25%; trong khi nhiều sản phẩm công nghiệp khác được khấu trừ thuế giá trị gia tăng thì những doanh nghiệp nông nghiệp vẫn phải đóng như thường. “Ngay cả khi tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng chúng tôi cũng không thể đem hệ thống nhà kính ra thế chấp dù giá trị của nó rất lớn”, ông Sơn giãi bày. Đây cũng là những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Vinamit, Tập đoàn Quang Minh hay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex gặp phải.

Về lý do tại sao Rừng hoa Đà Lạt không được hưởng nhiều ưu đãi dù đã có giấy chứng nhận “doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Sơn cho rằng, nguyên nhân là do những quy định còn quá chung chung, mơ hồ.

Sự chậm trễ của ngành chức năng cũng khiến Công ty cổ phần Nafoods Group (47 Nguyễn Cảnh Hoan, TP.Vinh, Nghệ An) gặp khó khăn trong xuất khẩu giống chanh leo sang Trung Quốc. Thành lập năm 1995, Nafoods Group hiện là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nước ép trái cây và rau, củ, quả đông lạnh; dẫn đầu châu Á về doanh thu xuất khẩu chanh leo cô đặc, số 1 trên thị trường thế giới về xuất khẩu gấc; là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chủ động được giống chanh leo sạch bệnh, năng suất cao. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty, trước đây công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên nhưng thực tế chi phí vận chuyển nguyên liệu ra Nghệ An chế biến quá lớn (chi phí vận tải trong 4 năm có thể xây dựng được 1 nhà máy) nên Nafoods Group đã tìm cách xây dựng vùng nguyên liệu ở Quế Phong (Nghệ An) và một số vùng lân cận, trong đó diện tích công ty trồng là 650ha, liên kết với nông dân 900ha. Hiện công ty có nhà máy chế biến 5ha tại Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) với hai dây chuyền sản xuất nước ép trái cây và sản xuất rau củ quả cấp đông. Sản phẩm của công ty đã được xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông,… trong đó châu Âu chiếm đến 89% thị phần.

Công ty cũng đã phối hợp với doanh nghiệp của Đài Loan sản xuất thành công giống chanh leo sạch bệnh, hiện cũng đã có đơn hàng xuất khẩu 30.000 giống cây chanh leo sang Trung Quốc nhưng do giống chưa được công nhận chính thức nên còn gặp nhiều khó khăn.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm lớn không chỉ trong nước mà còn trên thế giới, Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng đang ấp ủ một dự án thành lập công ty tập đoàn chuỗi giá trị ôm, cá rô phi toàn cầu. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của tập đoàn, nếu xây dựng chuỗi giá trị thành công sẽ khắc phục được tình trạng lợi nhuận chỉ rơi vào tay một số khâu phân phối hiện nay, còn nông dân, những người vất vả một nắng hai sương lại luôn phải chịu thua thiệt.

“Hiện nay, hệ thống các nhà phân phối, tiêu thụ luôn đưa ra những tiêu chuẩn rất cao cho sản phẩm nhưng lại không trả giá cao bằng những đòi hỏi tương ứng, chính vì vậy, nông dân không được hưởng lợi nhiều từ việc áp dụng những tiêu chuẩn sản xuất hiện đại. Đây cũng chính là lý do họ không muốn áp dụng cách thức sản xuất mới, nhiều khi phải dùng biện pháp hành chính buộc nông dân phải áp dụng. Từ thực tế này, từ năm 2013, Minh Phú đã thành lập chuỗi cung ứng, hỗ trợ nông dân sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường ít nhất 10%. Ban đầu vận động, không mấy người tin, chỉ đến khi có những nông dân khác được hưởng lợi khi có thời điểm Minh Phú mua tôm với giá cao hơn thị trường 13% thì họ mới hào hứng tham gia. Chỉ khi lợi nhuận được phân bổ hợp lý thì chuỗi giá trị nông sản mới phát triển bền vững”, ông Quang nói.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Từ những câu chuyện có thật của doanh nghiệp cho thấy, từ chính sách vĩ mô đến áp dụng vào thực tế sản xuất là một khoảng cách khá xa và không phải chính sách nào cũng đến được với doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong cuộc họp với nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn vừa tổ chức ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã thẳng thắn giao trách nhiệm cho từng ngành chức năng nhanh chóng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như yêu cầu Cục Trồng trọt công nhận giống chanh leo cho Nafoods Group trong thời gian sớm nhất và hợp tác với Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình phối hợp nghiên cứu xây dựng trung tâm khảo nghiệm giống; Cục Bảo vệ thực vật ngay lập tức phải tháo gỡ “điểm nghẽn” trong việc kiểm dịch giống hoa, cây cảnh nhập khẩu; Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tập đoàn Minh Phú nghiên cứu việc xây dựng trại tôm giống, có thể hợp tác với những trại giống công lập có nhiều quỹ đất nhưng hoạt động èo uột; Bộ trưởng cũng đã mời Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt tham gia chương trình công nghệ sinh học của bộ; đặt lịch làm việc với Tập đoàn Viettel về chiến lược xây dựng một nền nông nghiệp thông minh…

“Doanh nghiệp có khát vọng cháy bỏng muốn đầu tư cho nông nghiệp, vì vậy ngành nông nghiệp cũng muốn được hợp tác để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. Chúng ta đã giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng bà con vẫn khó khăn vì khâu thương mại, chế biến chưa ngang tầm với thế giới nên nỗ lực của nông dân chưa đem lại lợi ích tương xứng. Chúng tôi mong muốn cháy bỏng cùng với các doanh nghiệp thúc đẩy khâu thương mại và chế biên để nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp. Với những đề xuất của doanh nghiệp, bộ sẽ có văn bản chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan. Khi tổ công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn được thành lập, đây sẽ là đầu mối để các doanh nghiệp trao đổi rõ hơn những vướng mắc hay thông tin thị trường”, Bộ trưởng nói.


 

Anh Thơ
Nguồn: ktnt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo